Du lịch miền Trung: Mạnh, mà mạnh ai nấy làm

(Dân trí) - Với vị trí “mặt tiền” nhìn ra biển Đông trên bản đồ Việt Nam, vùng duyên hải miền Trung có thế mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển du lịch biển gắn liền với văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, du lịch biển toàn vùng, cũng như phát triển kinh tế vùng, nhìn chung vẫn còn thực trạng các địa phương trong vùng vẫn mạnh ai nấy làm.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tại Diễn đàn kinh tế miền Trung vừa diễn ra trong ngày 25/9. Tham dự chủ trì Diễn đàn có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chắc rằng các đại biểu ai cũng ấn tượng với nhận định cho rằng kinh tế miền Trung, trong đó có ngành du lịch, có nhiều thế mạnh, mà mạnh ai nấy làm. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng nhiều nổ lực từ Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung, và các địa phương trong Vùng, để nhận định này trong tương lai chỉ còn là hoài niệm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chắc rằng nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn ấn tượng với nhận định các địa phương trong Vùng duyên hải miền Trung có nhiều thế mạnh đề phát triển, nhưng vẫn còn mạnh ai nấy làm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chắc rằng nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn ấn tượng với nhận định các địa phương trong Vùng duyên hải miền Trung có nhiều thế mạnh đề phát triển, nhưng vẫn còn mạnh ai nấy làm

“Ngành du lịch là mũi nhọn, mà mũi nhọn là gì, nói được không?”

Ông Vũ Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắng đặt ra câu hỏi trên khi nói đến việc xác định ngành du lịch biển gắn liền với văn hóa, lịch sử là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung (sau đây gọi tắt là Vùng).

Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn
Theo ông Vũ Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, miền Trung cần có chương trình phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn một cách rõ ràng, không lờ mờ. Đồng thời, cần nghiên cứu giải pháp nâng cao giá trị gia tăng từ thế mạnh du lịch biển
Theo ông Vũ Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, miền Trung cần có chương trình phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn một cách rõ ràng, không lờ mờ. Đồng thời, cần nghiên cứu giải pháp nâng cao giá trị gia tăng từ thế mạnh du lịch biển

“Tôi nói luôn, cả nước ta đặt vấn đề rất hay, du lịch là ngành mũi nhọn, nhưng tôi hỏi Tổng cục Du lịch mũi nhọn là gì nói được không? Ta hay nói mũi nhọn nhưng chưa rõ thế nào là mũi nhọn. Phải xác định với miền Trung, ngành du lịch rất quan trọng. Tôi đề nghị cần có một chương trình phát triển ngành du lịch trở thành ngành mũi nhọn chung cho toàn Vùng một cách cụ thể, rõ ràng, chừ không lờ mờ, rồi mạnh ai nấy làm” - ông Thiên nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định thêm riêng trong phát triển du lịch biển miền Trung, phần giá trị gia tăng từ phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch biển còn thấp. Du khách đến vẫn còn chủ yếu là để tắm biển, chứ các dịch vụ mở rộng phục vụ nhu cầu của du khách tại điểm đến còn thiếu, chưa kích thích nâng cao các giá trị gia tăng từ du lịch biển. Ngay ở Đà Nẵng, du lịch biển phát triển mạnh mẽ, là cấu phần cơ bản của du lịch Vùng mà còn thiếu, nói gì tới các nơi khác.

“Nếu chọn du lịch làm đột phá thì phải có hành động về bảo vệ môi trường”

Đối với phát triển Vùng, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nêu nhấn mạnh lưu ý: “Ngành du lịch, nhất là du lịch biển chịu ảnh hưởng và rất mong manh trước tác động của môi trường, mà thực tế đã chứng minh. Nếu chọn du lịch làm đột phá thì phải có hành động về bảo vệ môi trường”.

Nhiều ý kiến cho rằng du lịch biển cần chú trọng gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên để bền vững
Nhiều ý kiến cho rằng du lịch biển cần chú trọng gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên để bền vững

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng - cũng đồng tình phát triển du lịch cần gắn liền với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn sức hấp dẫn của cảnh quan tự nhiên ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Theo ông Vinh, xu thế hiện nay trên thế giới là du khách thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và bản sắc văn hóa bản địa ở các điểm đến. Ông Vinh kiến nghị Ban Điều phối Vùng cân nhắc xem du khách đến bởi vẻ đẹp của tự nhiên ở các địa phương trong vùng hay vì các công trình tráng lệ, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng không khéo du khách “một đi không trở lại”, các thế hệ tương lai sẽ trách cứ khi mà “vốn liếng” thế mạnh cảnh quan tự nhiên không còn.

Theo Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung, hiện nay, Vùng bao gồm 9 tỉnh, thành: Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, và Bình Thuận; và đang tính mở rộng thêm Quảng Trị.

Vùng là “mặt tiền” của Việt Nam, nhìn ra biển Đông, có vị trí kinh tế thuận lợi, có ý nghĩa chiến lược về giao thông kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, là cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông Tây, nối với đường hàng hải quốc tế với nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú, nhiều tiềm năng nổi trội về biển đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản, văn hóa lịch sử.

Vùng có lợi thế để phát triển bốn lĩnh vực chủ yếu của kinh tế biển: ngư nghiệp, nhất là đánh bắt xa bờ cảng biển và dịch vụ hàng hải; khu kinh tế khu công nghiệp gắn liền với lợi thế cảng biển và du lịch biển đảo gắn liền với văn hóa lịch sử.

Tâm An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm