Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế liên kết phát triển du lịch xanh
(Dân trí) - Ngày 25/7, tại Quảng Nam, diễn ra Hội thảo liên kết phát triển du lịch xanh Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế.
Hơn 40 doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch của 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế tham gia Hội thảo.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho hay mục đích của hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển chuỗi sản phẩm du lịch xanh giữa Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Giúp phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch của các địa phương; xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững tạo sức hấp dẫn của điểm đến; đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch 3 địa phương trong việc xây dựng các chương trình tour du lịch gắn với các điểm du lịch xanh nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú.
Qua đó, góp phần quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch 3 địa phương với thông điệp "Du lịch xanh - Kết nối và phát triển".
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, với hệ thống tài nguyên nhân văn, thiên nhiên ưu đãi cho Thừa Thiên Huế hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng, bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cùng một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài toàn tỉnh như sông Hương, sông Ô lâu, sông Bồ, sông Truồi…
Những thế mạnh tiềm năng nói trên đã tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa chất lượng cao kết hợp du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu...
Đây cũng chính là lợi thế rất lớn góp phần giúp Thừa Thiên Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững trong những năm gần đây, đồng thời phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc về du lịch của cả nước và trên thế giới.
Đối với Đà Nẵng, ngoài bãi biển dài, sạch, quyến rũ còn có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, độc đáo như Cầu Vàng, Cầu Rồng, khu du lịch Bà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… là điều kiện hết sức thuận lợi để Đà Nẵng phát triển du lịch.
Bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện đại, việc xây dựng và phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được TP Đà Nẵng quan tâm, xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Đây cũng là động lực góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu, xu thế lựa chọn của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại TP Đà Nẵng, thời gian qua, đã hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đã hình thành và đưa vào khai thác như An Phú Farm, vườn nho thung lũng Nam Yên, khu cắm tại Yên Retreat, trang trại Mẹ Ken, làng du lịch sinh thái Thái Lai (Hòa Nhơn)…
Đối với du lịch Quảng Nam, ngoài 2 Di sản văn hóa thế giới là khu đền tháp Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, địa phương còn nhiều địa chỉ du lịch sinh thái thu hút đông du khách như Rừng dừa Bảy Mẫu, làng rau Trà Quế, làng cây trái Đại Bình.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam - cho rằng việc ký kết hợp tác giữa 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng sẽ giúp kết nối và xây dựng một cộng đồng gồm những doanh nghiệp quan tâm đến hướng phát triển du lịch bền vững, giúp hỗ trợ thông tin để các địa phương xây dựng sản phẩm và tiếp cận khách hàng.
"Chúng tôi đang nghĩ đến việc hình thành "Con đường du lịch xanh Miền Trung", song hành với "Con đường di sản Miền Trung" đã được nhiều du khách biết đến", ông Phan Xuân Thanh nói.