Du lịch Bình Định: "Cái gì cũng có nhưng không có cái gì đặc biệt"

Doãn Công

(Dân trí) - "Du lịch Bình Định cái gì cũng có nhưng không có cái gì đặc biệt. Có nơi rất độc đáo, hiếm có ở Việt Nam nhưng vẫn dừng ở tiềm năng chưa được khai thác", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.

Để phát triển du lịch, cần thay đổi nhận thức từ mỗi người dân

UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức hội nghị về kết quả thực hiện chương trình hành động "Phát triển du lịch Bình Định thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2020-2025".

Đánh giá về kết quả thực hiện chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - Hồ Quốc Dũng - cho rằng 10 năm trước nhiều người chẳng biết đến Quy Nhơn - Bình Định, từ một địa phương chỉ là điểm dừng chân, nay trở thành điểm đến được nhiều báo, tạp chí thế giới, khu vực đánh giá cao.

"Tuy nhiên, để ngành du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nếu thỏa mãn với những gì hiện có, chúng ta sẽ nhanh chóng tụt hậu", ông Dũng lưu ý.

Du lịch Bình Định: Cái gì cũng có nhưng không có cái gì đặc biệt - 1

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng mỗi cá nhân phải thay đổi nhận thức phát triển du lịch (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Dũng, Bình Định có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, có biển, có rừng, đồng bằng, đặc biệt là lịch sử văn hóa, cách mạng mà rất ít địa phương nào ở Việt Nam có được.

"Hiếm có nơi nào ở Việt Nam có một thảo nguyên như La Vuông (thị xã Hoài Nhơn) rộng trên 300ha, khí hậu mát mẻ, sương mù ngay mùa hè nhưng chỉ cách biển Thiện Chánh 25 phút. Cũng hiếm có nơi nào như khu suối nước nóng Hội Vân (huyện Phù Cát), nước nóng luộc chín trứng gà… song chỉ dừng ở tiềm năng", ông Dũng nói.

Du lịch Bình Định: Cái gì cũng có nhưng không có cái gì đặc biệt - 2

Hiếm nơi nào ở Việt Nam có suối nước nóng luộc chín cả trứng gà như ở Hội Vân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (Ảnh: Du lịch Bình Định).

Ông Dũng cho rằng với thực trạng như hiện nay, khách đến Bình Định 1-2 lần rồi sẽ không bao giờ quay lại, bởi sản phẩm du lịch không hấp dẫn, phong phú.

Khách du lịch đến địa phương đều tham quan Kỳ Co, Eo Gió, đến Bảo tàng Quang Trung, về Quy Nhơn ăn hải sản rồi không biết đi đâu, làm gì cho hết thời gian.

"Bình Định cái gì cũng có nhưng chẳng có cái gì đặc biệt. Các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng lớn, hiện đại chưa có", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, để du lịch phát triển bền vững cần thay đổi nhận thức từ mỗi người dân, mỗi cấp, ngành, địa phương. Đồng thời, yêu cầu từng địa phương phải đóng góp bằng một việc làm cụ thể.

"Đọc tham luận thì nói rất hay, tưởng chừng như sắp có rồi nhưng có nơi quy hoạch đã 5-10 năm nhưng nay chẳng có gì. Tới đây, Ban chỉ đạo của tỉnh sẽ kiểm tra, đánh giá thường xuyên", ông Dũng nói.

Chưa có sản phẩm du lịch đẳng cấp

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Trần Văn Thanh, 6 tháng cuối năm 2021, địa phương đón 266.000 lượt khách, giảm 77% so với cùng kỳ 2020.

Năm 2022, có 4,12 triệu lượt khách đến Bình Định (khách quốc tế gần 79.000 lượt), tăng hơn 185 lần.

6 tháng đầu năm 2023, chỉ số trên đạt gần 2,8 triệu lượt, tăng gần 21% so với cùng kỳ 2022.

Du lịch Bình Định: Cái gì cũng có nhưng không có cái gì đặc biệt - 3

Khách đến Bình Định chủ yếu đi biển đảo, ăn hải sản (Ảnh: Dũng Nhân).

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa có…

Bà Hoàng Thị Thu Sen - Giám đốc Chi nhánh Vietravel Quy Nhơn - cho rằng khách đến Bình Định chủ yếu đi tour biển đảo, còn du lịch sinh thái rừng biển hay khám phá lịch sử văn hóa, ẩm thực… mới dừng ở dạng tiềm năng.

Theo bà Sen, thách thức của du lịch Bình Định nằm ở khâu phát triển sản phẩm, biến các giá trị tiềm năng du lịch thành những trải nghiệm, dịch vụ cao cấp cho khách đến.

"Tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch rất quan trọng để đánh giá tài nguyên du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch của địa phương, nếu không hấp dẫn du khách chỉ đến 1 lần", bà Sen nói.

Du lịch Bình Định: Cái gì cũng có nhưng không có cái gì đặc biệt - 4

Người dân trẩy hội Đống Đa ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (Ảnh tư liệu: Doãn Công).

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định - cũng nhìn nhận du lịch địa phương còn hạn chế, du khách quốc tế còn ít. Nhiều dự án du lịch cao cấp còn nằm trên giấy, hạ tầng thiếu đồng bộ. Công tác quản lý còn thả nổi, nạn chặt chém, tranh cướp khách vẫn còn…

"TP Quy Nhơn là trung tâm của du lịch, du khách đi đâu rồi cũng phải vào Quy Nhơn. Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, điểm vui chơi giải trí, mua sắm gần như không có. Kỳ Co, Eo Gió được thế giới đánh giá rất cao nhưng khi phát triển xảy ra những bất cập…", ông Thanh nói.

Giảm giá hàng loạt dịch vụ hấp dẫn mùa thấp điểm

Ngày 18/8, Sở Du lịch Bình Định đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch trong mùa thấp điểm 2023.

Thông qua chương trình này, Bình Định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông về du lịch Bình Định là "Điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh và hấp dẫn"; từng bước xây dựng và phát triển đưa Quy Nhơn - Bình Định thành điểm đến ưa chuộng để tổ chức du lịch MICE tại Việt Nam.

Theo đó, chương trình kích cầu du lịch Bình Định mùa du lịch thấp điểm, các cơ sở lưu trú giảm giá phòng ít nhất là 50% (đối với khách sạn), 30% (đối với resort) so với giá phòng niêm yết; giảm giá ít nhất 10% dịch vụ ăn uống và ít nhất 20% giá cho thuê hội trường so với giá niêm yết.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế giảm giá ít nhất 30% lợi nhuận sau khi đã giảm giá các dịch vụ có trong chương trình tour.

Doanh nghiệp vận tải khách du lịch giảm giá ít nhất 20% so với giá niêm yết. Các cơ sở ăn uống giảm giá ít nhất 5-10% so với giá niêm yết.

Khu, điểm du lịch giảm giá ít nhất 10% dịch vụ ăn uống; giảm giá ít nhất 16-50% giá vé vào cổng; ít nhất 30-50% dịch vụ lưu trú trong khu, điểm du lịch và ít nhất 30% các dịch vụ khác so với giá niêm yết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm