Du khách Pháp bị tai nạn gãy chân, được "anh xăm trổ" hỗ trợ phiên dịch
(Dân trí) - Nhận điện thoại từ nhân viên y tế nhờ phiên dịch vì bệnh nhân là người nước ngoài, anh Phạm Tiến Bảo nhanh chóng lên đường dù trước đó định nghỉ ngơi sau giờ làm.
Du khách Pháp gặp nạn được giúp đỡ nhiệt tình
Chiều 23/9, anh Amaury Gidon, 26 tuổi, quốc tịch Pháp, cùng hai người bạn trên hành trình du lịch Tây Bắc khi đến ngã ba cầu Lai Hà, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, bất ngờ va chạm với một xe máy đi ngược chiều.
Vụ tai nạn khiến Amaury bị gãy chân, được đưa vào Trung tâm Y tế Thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) cách đó 10km cấp cứu. Hai người bạn đi phía sau may mắn không bị thương, được hướng dẫn về trụ sở làm việc với cơ quan chức năng.
Khoảng 5h chiều cùng ngày, anh Phạm Tiến Bảo, 40 tuổi, sống tại xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, vừa về nhà từ bãi măng trong bản, nhận được điện thoại từ một nhân viên y tế ở TTYT Thị xã Mường Lay nhờ phiên dịch do không biết tiếng Anh.
Vốn có kinh nghiệm giúp nhiều hoàn cảnh tương tự, anh Bảo đồng ý và nhanh chóng đến TTYT.
Lúc gặp gỡ, anh thấy Amaury tái mặt vì đau đớn. Nam thanh niên ngoại quốc không đủ giấy tờ tùy thân nên không thể nhập viện theo đúng quy định. Thấy vậy, anh đã đứng ra chịu trách nhiệm, đóng tiền viện phí để nạn nhân được nhập viện và làm các thủ tục, hồ sơ chụp chiếu.
Nhờ có vốn tiếng anh "bồi" (dịch nghĩa từng từ rồi ghép lại với nhau thành câu hoàn chỉnh), anh Bảo phiên dịch giao tiếp giữa Amaury và nhân viên y tế. Sau đó, bệnh nhân được bó bột chân phải, sắp xếp một phòng bệnh riêng.
Thương cảm Amaury một mình ở lại TTYT, anh Bảo quyết định nghỉ làm hai ngày, túc trực chăm sóc.
Trước mỗi bữa ăn, anh đều hỏi Amaury muốn ăn gì rồi chuẩn bị, từ bánh mì, cơm, cà phê, chuối,… Có lúc, nam thanh niên bảo không đói, anh lại động viên: "Tôi phải dừng hết công việc để giúp đỡ, bạn đừng phụ lòng tôi. Bạn phải ăn mới có sức uống thuốc, mau khỏi bệnh".
Tối 25/9, người thân Amaury có mặt tại TTYT Thị xã Mường Lay. Trong những ngày chờ về lại Hà Nội, họ được anh Bảo thuê một khách sạn gần đó với giá rẻ để tiện sinh hoạt và chăm sóc y tế. Anh còn nhiệt tình chở họ đi mua thuốc men và các vật tư cần thiết, tận nửa đêm mới về đến nhà.
"Nếu đã giúp đỡ, thì tôi sẽ giúp đến cùng. Tôi còn dự định, nếu người thân Amaury không lên Điện Biên, tôi sẽ lấy xe riêng chở bạn ấy xuống tận Hà Nội", anh Bảo khẳng định.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện TTYT Thị xã Mường Lay cho biết, bệnh nhân bị gãy kín 1/3 giữa xương chày, được xử trí bó bột, đã xin ra viện hôm 25/9.
Anh Amaury Gidon cho hay sức khỏe đã ổn định, dù chân vẫn còn đau, vài ngày tới sẽ được chuyển về Bệnh viện Việt - Pháp ở Hà Nội tiếp tục điều trị.
Anh kể rằng đến Việt Nam cách đây 15 ngày cùng nhóm bạn 5 người để đi du lịch, không may gặp sự cố trên đường đi từ Sa Pa tiếp tục khám phá Tây Bắc.
"Tôi đã cảm thấy rất tệ vì không thể tiếp tục lái xe hay thậm chí đi bộ, nhưng may mắn được anh Bảo giúp đỡ. Tôi thật sự cảm ơn, và yêu mến Việt Nam, yêu mến con người nơi đây", Amaury nói.
"Hãy dành cho nạn nhân một chút tình cảm, một chút thời gian"
Sau một đêm, anh Phạm Tiến Bảo "nổi tiếng" khắp mạng xã hội với biệt danh "phiên dịch viên đặc biệt".
Anh cho biết học tiếng Anh không qua trường lớp, mà từ chính cuộc sống, sau nhiều năm làm việc cho các công ty du lịch ở Hà Nội. Anh không nhận trình độ tiếng Anh ở mức tốt, chỉ dừng ở "đủ nghe - hiểu - nói".
"Có thời điểm xa gia đình, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tôi biết một mình ở bệnh viện khổ như thế nào, nên cố gắng giúp đỡ nam thanh niên người Pháp", không riêng Amaury Gidon, trước đây, anh Bảo cũng giúp nhiều trường hợp (trong và ngoài nước) gặp nạn.
Mỗi lần giúp người, anh đều cảm thấy nhẹ lòng và thoải mái, không mong chờ bất cứ điều gì từ các nạn nhân, kể cả đền đáp vật chất. Anh chỉ hi vọng, bất kì ai khi đi đến mảnh đất nào, nếu không may gặp sự cố, cũng sẽ được giúp đỡ nhiệt tình.
"Tôi mong muốn mọi người, đặc biệt là cậu con trai 4 tuổi, hiểu và hướng thiện, học tập hành động của mình", anh tâm sự.
Người đàn ông 40 tuổi có sở thích xăm mình, mong rằng không vì vẻ ngoài "hổ báo" mà bị kì thị, mang tiếng xấu. Anh nói, mỗi hình xăm trên người đều đánh dấu một cột mốc ý nghĩa và quan trọng trong cuộc đời.
"Tôi cảm ơn cộng đồng đã quan tâm. Nếu thấy người bị nạn, hãy dành cho nạn nhân một chút tình cảm, một chút thời gian", anh nói.
Trước đó, năm 2018, anh Bảo từng được người dùng mạng biết đến với hình ảnh "ông bố xăm trổ" ru con với câu hát hết sức dễ thương: "Con ngủ nhanh cho bố đêm dậy còn đón hàng. Con ngủ nhanh cho mẹ đêm dậy còn chốt hàng".