Du khách bàng hoàng trước khoảnh khắc nhân viên vườn thú cưa sừng tê giác

(Dân trí) - Hình ảnh nhân viên cưa sừng của 21 con tê giác trong vườn thú khiến du khách và dư luận tại Cộng hòa Séc bàng hoàng. Được biết, đây là biện pháp giúp phòng tránh những con tê giác thoát khỏi sự dòm ngó của nhóm thợ săn nguy hiểm.

Vườn thú Séc cưa sừng tê giác để ngăn chặn nạn săn bắt trái phép

Ban quản lý của sở thú Dvur Kralove tại Cộng hòa Séc vừa đưa ra quyết định cắt bỏ hoàn toàn sừng của 21 con tê giác quý hiếm, nhằm giúp chúng thoát khỏi sự nhòm ngó của những tay săn bắn nguy hiểm. Trước đó, những kẻ thợ săn đã bắn chết một con tê giác trắng rồi cưa trộm sừng.

“Quyết định này không hề dễ dàng gì. Đây là cách chúng tôi đề phòng những con còn lại tránh khỏi số phận tương tự”, ông Premysl Rabas, Giám đốc sở thú tuyên bố.

Nhân viên vườn thú tiến hành cưa sừng tê giác
Nhân viên vườn thú tiến hành cưa sừng tê giác

Vườn thú Dvur Kralove nằm cách thủ đô Praha chừng 150 km về phía đông bắc. Đây là nơi đang nuôi nhốt 17 con tê giác đen và 4 con tê giác trắng Bắc Phi, đồng thời là nơi sở hữu đàn tê giác đông nhất khu vực châu Âu hiện nay. Cả hai loài này hiện đang nằm trong danh sách báo động cực kỳ nguy cấp của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN. Mối lo ngại về sự an toàn của những con tê giác được nâng lên báo động đỏ khi ngày 7/3 vừa qua, con tê giác trắng Nam Phi thuộc sở thú Thoiry gần thủ đô Paris, Pháp bị bắn chết và cướp sừng.

Tê giác được gây mê tránh khỏi sự đau đớn trước khi bị cưa sừng
Tê giác được gây mê tránh khỏi sự đau đớn trước khi bị cưa sừng

“Sự rủi ro nguy hiểm của những con tê giác đang đối diện không chỉ ngoài môi trường tự nhiên, thậm chí cả trong trường hợp nuôi nhốt. Bởi vậy, sự an toàn của chúng là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi”, ông Premysl Rabas khẳng định. Việc tấn công bất ngờ tại sở thú nước Pháp được coi là dấu hiệu cảnh báo trên toàn cầu về tình trạng săn bắt trộm có thể lan rộng, gây tới tình trạng tuyệt chủng những loài quý hiếm.

Tê giác đang nằm trong nhóm nguy cấp
Tê giác đang nằm trong nhóm nguy cấp

Pamir là con tê giác đầu tiên phải nằm dưới lưỡi cưa. Và hình ảnh nhân viên sở thú tiến hành cưa sừng khiến du khách cũng như dư luận Séc “cảm thấy bàng hoàng”. Trong cuộc nói chuyện với truyền thông, ban quản lý sở thú khẳng định, những con tê giác được làm thủ thuật gây tê và không thấy đau đớn khi bị cưa sừng. Sau đó, sừng của chúng dần dần sẽ mọc trở lại. Những con tê giác tiếp theo sẽ được cưa sừng trong thời gian sớm nhất.

Những con tê giác trở thành đối tượng bị săn bắn nhiều nhất trong thời gian qua
Những con tê giác trở thành đối tượng bị săn bắn nhiều nhất trong thời gian qua

Đại diện sở thú Thoiry cho hay, giá một chiếc sừng tê giác bán ngoài thị trường năm 2015 lên tới 53.900 USD. Trong khi đó, giá bán tại chợ đen hiện tại lên tới 60.000 USD/kg. Con số này thậm chí còn cao hơn cả vàng hay ma túy. Trước đó, Liên hợp quốc đã đưa ra bản quy ước thương mại toàn cầu về việc ngăn cấm buôn bán sừng tê giác. Tuy nhiên, nhu cầu về món hàng này vẫn rất lớn tại các nước châu Á, nơi được đánh giá như thành phần của dược liệu quý. Ngược lại, các nhà chức trách châu Phi phải vật lộn để chống lại nạn săn bắn và buôn bán tràn lan.

Dvur Kralove hiện đang là vườn thú duy nhất trên thế giới thành công trong việc nuôi nhốt những con tê giác trắng cực quý hiếm. Năm 2009, vườn thú này đã để 3 con tê giác trắng ở phía bắc – một con đực và hai con cái ở khu bảo tồn Ol Pejeta thuộc Kenya.

Theo Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới, những con tê giác trắng phía Bắc đã gần như bị xóa sổ do nạn săn bắn, cưa trộm sừng và chiến tranh ở Châu Phi.

Hoàng Hà

Theo DM, PL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm