Nghệ An:

Độc đáo Lễ hội "Tến Cau Hoong" ở miền biên viễn

(Dân trí) - Từ 15-16/3/2014, huyện Quế Phong đã chính thức khai mạc lễ hội "Tến Cau Hoong" lần thứ 10 năm 2014. "Tến Cau Hoong" có nghĩa là Đền Chín Gian.

Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức hàng năm tại Đền Chín Gian, xã Châu Kim (huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An) là dịp để đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An nhớ về cội nguồn, ghi tạc công ơn các thế hệ cha ông đã có công tạo lập bản Mường, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đền Chín Gian thờ thần trời (Thẻn Phà), con gái trời (Náng Xỉ Đả) và Tạo Ló Ỳ (người có công lập 9 mường).

Phát biểu tại Lễ hội, ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định: Lễ hội Đền Chín Gian với nội dung mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Phủ Quỳ đã góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước; giữ gìn và tôn tạo các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Thái của Quế Phong nói riêng và đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Nghệ An nói chung.

Sau phần lễ khai mạc, trong không khí linh thiêng, các đại biểu và đông đảo nhân dân, du khách đã tham gia Lễ Đại tế (Lễ xớ Thẻn, xớ Đăm), vui đánh cồng chiêng, nhảy sạp, khắc luống, thi viết chữ Thái của 14 xã, thị trấn, thi ẩm thực và người đẹp Lễ hội.

Lễ hội Đền Chín Gian năm nay có sự tham gia của 14 xã, thị trấn và các cơ quan dân chính Đảng, các trường THPT, THCS trong và ngoài huyện. Ngoài các hoạt động văn hoá truyền thống gắn với tâm linh như lễ tắm trâu, lễ chém trâu, thi văn nghệ thể thao truyền thống như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, ném còn giao duyên, thi người đẹp....

Đền Chín Gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng gọi là Tến Pỏm (đền trên núi) ở bản Khoẳng, Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An). Trong tâm thức của đồng bào Thái vùng Phủ Quỳ,đây là nơi hướng về trong tín ngưỡng tâm linh đối với Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (Con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường).

Đền có tên là "Tến Xớ Quái" (đền hiến trâu), nhưng vì có 9 gian nên bà con thường gọi là "Tến Cau Hoong" (có nghĩa là đền chín gian).

Ngôi đền có 9 gian, mỗi gian tượng trưng cho một Mường đến tôn thờ: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Pha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón.

Lễ hội đền Chín Gian là dịp để người dân 9 Mường xưa cùng hành hương về đây để tế lễ cầu trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi. Lễ hội cũng là dịp 9 Mường trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, hàng mỹ nghệ của địa phương như thổ cẩm, mây tre đan, trưng bày giới thiệu văn hoá ẩm thực với các món ăn truyền thống do các xã Châu Kim, Mường Nọc, Tri Lễ, Nậm Giải....

Cũng tại lễ Hội này, người dân của 9 Mường được Hội đông y huyện cho phép mang những vị thuốc nam quý của địa phương như thuốc chữa đau lưng, rượu thuốc quý, sái khớp, thuốc bổ cho phụ nữ sau  khi sinh... giới thiệu với khách thập phương, với hy vọng tìm một lối mở cho những sản vật quý, độc đáo của Quế Phong.

Một số hình ảnh độc đáo Lễ hội Tến Cau Hoong do PV ghi lại:

Trâu tế lễ được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan).
Trâu tế lễ được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan).

Sau đó ông trâu được rước lên đền.
Sau đó ông trâu được rước lên đền.
 
Sau đó ông trâu được rước lên đền.
9 mâm gồm các sản vật quê hương, thịt trâu được nấu lên... đại diện cho 9 Mường tiến hành được dâng lên làm lễ tế.
 
Sau đó ông trâu được rước lên đền.
Lễ hội độc đáo với những màn hát múa của các thiếu nữ Thái trong bộ đồ thổ cẩm do chính bàn tay mình dệt nên.

Trò chơi khắc luống không thể thiếu trong lễ hội Đền Chín Gian.
Trò chơi khắc luống không thể thiếu trong lễ hội Đền Chín Gian.

Đánh chồng chiêng.
Đánh chồng chiêng.

Thi nhảy sạp...
Thi nhảy sạp...

Đến trò chơi đẩy gậy...
Đến trò chơi đẩy gậy...

Thu hút hàng vạn người xem.
Thu hút hàng vạn người xem.

Khu vực ngôi đền Chín Gian đã chật kín người đến cầu may mắn....
Khu vực ngôi đền Chín Gian đã chật kín người đến cầu may mắn....

Nguyễn Duy