Doanh nghiệp khách sạn chiếm lĩnh phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ
Các công ty nghiên cứu thị trường dự báo lượng khách du lịch có thu nhập cao đến Hà Nội ngày càng tăng nhờ hoạt động hội nghị, triển lãm... vì thế phân khúc khách sạn 5 sao sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vào năm 2015.
Sau một thời gian dài khách quốc tế đến Việt Nam giảm sút liên tục thì trong hai tháng gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trở lại, mặc dù đây chưa phải là mùa cao điểm khách quốc tế.
Các chuyên gia du lịch nhận định, điều này có tác động tốt đến hoạt động của các khách sạn tại Việt Nam trong điều kiện kinh tế suy thoái và khách hàng cắt giảm chi phí.
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều Di sản văn hóa, Di sản thiên nhiên nổi tiếng, người Việt Nam thân thiện, mến khách. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là khách quốc tế.
Hệ thống khách sạn Việt Nam vẫn còn một số điểm hạn chế như: quy mô nhỏ ít phòng và ít dịch vụ, công tác quảng bá xúc tiến còn hạn chế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cá biệt một số khách sạn còn tăng, giảm giá tùy tiện....
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này bà Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cho rằng: “Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam chúng ta mới chỉ cung cấp những sản phẩm đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của du khách chứ chưa cung cấp được những dịch vụ để thỏa mãn những kỳ vọng ở mức cao hơn. Nói cách khác, cái chúng ta chỉ mang đến cho du khách những dịch vụ thiên nhiên sẵn có mà chưa có sự đầu tư bài bản.
Chúng ta chưa có tạo được những dịch vụ hoàn hảo và chuẩn mực. Về khía cạnh văn hóa, chúng ta cũng chưa chạm đến và làm rung cảm được sự thỏa mãn khát khao khám phá chiều sâu văn hóa , con người bản địa của du khách”, bà Yến chia sẻ.
Đây là một thực tế, dễ dàng nhận thấy ở ngành du lịch Việt Nam khi đem đi so sánh với những nước trong khu vực và thế giới.
Không giống với các ngành nghề khác, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam, rất khó nhận thấy chúng ta chưa làm được những sự đồng bộ đó: doanh nghiệp thiếu đáp ứng với thị trường, quy trình đào tạo nhân viên còn yếu.
Chính vì điều này, muốn đầu tư phát triển bền vững thì không còn cách nào khác, những doanh nghiệp du lịch phải “dốc công, dốc sức” vào dịch vụ của mình.
Có thể thấy thời gian qua, chúng ta đã từng chứng kiến sự hiện diện của nhiều ông lớn trên thế giới trong lĩnh vực này tại Việt Nam như tập đoàn Khách sạn Accor (Pháp), tập đoàn Hyatt, Hilton Worldwide, Marriott International, InterContinental Hotels Group… Gần đây, là sự “nổi lên” của một chuỗi hệ thống khách sạn Mường Thanh. Các doanh nghiệp cho rằng, đây là tín hiệu rất tốt cho ngành du lịch Việt Nam, bởi từ trước chúng ta chỉ trông chờ các dịch vụ hoàn hảo vào các ông lớn nước ngoài, chứ rất ít tin tưởng vào dịch vụ của người Việt ta.
Khách sạn Mường Thanh Holiday Quảng Bình
Nói về “hiện tượng Mường Thanh”, Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định Mường Thanh là một hiện tượng đặc biệt của làng lưu trú Việt Nam trong 2 năm trở lại đây. Chuỗi hệ thống của họ đã đóng góp lớn vào sự thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam.
Với hệ thống gần 50 khách sạn và dự án khách sạn trên toàn quốc và với các phân khúc đa dạng từ Mường Thanh Luxury 5*, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday 4* và Mường Thanh Tiêu Chuẩn đang trở thành “ông lớn” cùng với các tập đoàn có tiếng đang đầu tư ở Việt Nam
Bà Yến cho rằng, các doanh nghiệp cần phải đổi mới và phát triển mỗi ngày. Để làm được điều này, các doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tuyển chọn và sử dụng lao động có chuyên môn dịch vụ tốt, đáp ứng được nhu cầu của du khách. “Hiện tượng Mường Thanh” được gọi là hiệu quả mạng lưới – một hiện tượng trong đó giá trị của một sản phẩm tăng lên khi bán được nhiều sản phẩm hơn và khi mạng lưới người sử dụng nhiều hơn.Với mong muốn mỗi thành viên của Mường Thanh có vai trò là một sứ giả trong cuộc giao lưu và quảng bá nét đẹp truyền thống dân tộc.
Cũng như các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp khách sạn cũng đang đứng trước những thách thức lớn đó là sự cạnh tranh. Tuy nhiên có một điểm khác rằng, trong khi các doanh nghiệp lữ hành chỉ cạnh tranh với đối thủ “người nhà”, thì các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại phải “đương đầu” với cả những ông lớn có tên tuổi trên thế giới tham gia đầu tư lĩnh vực này ở Việt Nam tại các đô thị lớn.
Nắm được điều này chính vì thế 3 năm vừa qua, Mường Thanh đã tập trung đầu tư vào những thành phố như Bắc Giang, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,… cung cấp những dịch vụ để phù hợp với các thành phố đó như Hội thảo, hội nghị, tiệc,… Nhờ đó, họ đã gần như chiếm lĩnh được thị trường những thành phố này.
Hồng Liên