Doanh nghiệp du lịch "than" tuyển không ra nhân sự giao tiếp nước ngoài

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Thiếu nguồn nhân lực là một trong những trăn trở của ngành du lịch Bạc Liêu. Việc tuyển nhân sự phục vụ biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác để giao tiếp với người nước ngoài hầu như rất khó.

Ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch tại buổi họp mặt kỷ niệm 64 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2024), diễn ra chiều 8/7.

Doanh nghiệp du lịch than tuyển không ra nhân sự giao tiếp nước ngoài - 1

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng phát biểu tại buổi họp mặt ngành du lịch. Ông ghi nhận, đánh giá cao những chia sẻ, góp ý của các doanh nghiệp để phát triển ngành du lịch Bạc Liêu (Ảnh: H.T).

Thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Ông Mai Hoàng Việt, Giám đốc Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu, cho biết để tuyển người phục vụ du lịch biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác rất khó, hầu như tìm không ra.

Ông Việt cho rằng, nếu tuyển người từ TP.HCM hoặc nơi khác về thì cũng không hợp lý. Do đó, doanh nghiệp tự tổ chức lớp tiếng Anh, mời giáo viên về dạy với mong muốn đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

"Nhân lực đạt trình độ cao thì chắc chắn sẽ được doanh nghiệp trả lương cao hơn so với những người chưa đạt một số yêu cầu về lĩnh vực dịch vụ. Do đó, mong sở, ngành, địa phương có cách thức nào đó, chẳng hạn như hỗ trợ học phí để giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng", ông Việt chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Cường, đại diện Khu điện gió Hòa Bình 1, cho biết việc tuyển dụng nhân sự đạt chuẩn tại địa bàn Bạc Liêu còn thiếu. Trong 2 năm qua, doanh nghiệp xác định tuyển đầu vào từ con số 0, chấp nhận đào tạo từ đầu. Tuy nhiên, đến nay nguồn nhân lực vẫn chưa đạt mong muốn.

"Thậm chí doanh nghiệp đã trực tiếp ký kết với Trường Đại học Bạc Liêu nhằm hỗ trợ công tác đầu vào nhưng hiện nay vẫn chưa xây dựng đầy đủ bộ khung để vận hành lĩnh vực du lịch của đơn vị", ông Cường nêu khó khăn.

Một trong những giải pháp tới đây cho ngành du lịch về nguồn nhân lực, theo Tiến sĩ Trương Thu Trang (giảng viên Trường Đại học Bạc Liêu), trường bắt đầu mở chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tuyển sinh từ năm 2024-2025 để đào tạo chuyên sâu lĩnh vực này.

Doanh nghiệp du lịch than tuyển không ra nhân sự giao tiếp nước ngoài - 2

Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: V.Đ).

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, cũng nhìn nhận năng lực, trình độ của đội ngũ lao động ngành du lịch tỉnh vẫn còn hạn chế. Do đó, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực để tiến tới xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch Bạc Liêu, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Gợi mở thu hút khách

Ông Trần Văn Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Cà Mau, cho rằng một trong những khó khăn hiện nay là vấn đề hạ tầng giao thông. "Làm sao xe 45 chỗ có thể đi đến được tất cả các điểm tham quan trong cả mùa mưa, nắng. Việc này là một trong những cạnh tranh làm giảm giá thành tour xuống để thu hút khách nhiều hơn", ông Thảo chia sẻ.

Trong công tác xúc tiến du lịch, theo ông Thảo, nguồn du khách đến ĐBSCL nhiều nhất là từ miền Bắc và miền Trung. Do đó, làm sao thu hút nguồn khách này, trong đó có vấn đề hạ tầng, đặc biệt là sân bay.

"Cần Thơ đã có rồi, nhưng để gần hơn nữa thì có sân bay Cà Mau cũng cần được quan tâm", ông Thảo nói và cho rằng, để phát triển du lịch thì một tỉnh không thể làm được mà cần có sự liên kết của vùng.

Để thu hút khách du lịch, theo ông Thảo, quan trọng là cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, sản phẩm thế nào, còn giá cả phải công khai minh bạch. "Sản phẩm du lịch, điểm đến đã có rồi, cần tăng cường việc truyền thông nhiều hơn nữa, làm sao để khách hàng, đơn vị lữ hành đến với mình", ông Thảo chia sẻ và cho biết Bạc Liêu là cái nôi đờn ca tài tử, nên phát huy sản phẩm này.

Về tour tuyến du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Cà Mau cho rằng, nếu chỉ Bạc Liêu - Cà Mau - Sóc Trăng là chưa đủ, cần có thêm Cần Thơ. "Hiện nay ở ĐBSCL thì đầu xuất phát vẫn là Cần Thơ", ông Thảo nhấn mạnh.

Ông Thảo gợi mở có 2 tuyến đi, thứ nhất từ Cần Thơ - Hậu giang - Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cần Thơ; thứ 2 gồm: Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau - Bạc Liêu. "Liên kết tour theo trục quốc lộ 1 thì có thể làm 2 chương trình qua 4 tỉnh như vậy", ông Thảo nói.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh có nhiều cái không như: Không sân bay, không cảng biển, không điểm dừng chân,… Đây là những hạn chế đối với sự phát triển của ngành du lịch.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu mong muốn các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền, thể hiện hơn nữa trách nhiệm, vai trò của mình, tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá trên lĩnh vực du lịch.

"Tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để biến ý tưởng của doanh nghiệp, nhà đầu tư thành hiện thực, xem sự thành công, phát triển của doanh nghiệp du lịch tỉnh nhà cũng là sự thành công và phát triển của quê hương Bạc Liêu", ông Thăng khẳng định.