Điều tra làm rõ, công ty Ánh Dương cạnh tranh không lành mạnh

(Dân trí) - Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công thương) đang tiến hành điều tra Cty Ánh Dương về hành vi “thống lĩnh thị trường”, cạnh tranh không lành mạnh. Vậy những đơn vị nào đã “móc ngoặc” với Cty Ánh Dương để làm điều này?

Điều tra hành vi “cạnh tranh không lành mạnh”

Trước đó báo Dân trí đã có bài phản ánh, từ năm 2013, hàng nghìn du khách nước ngoài khi đến TP biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đều bị chủ các khách sạn từ chối cho thuê phòng.

Hàng ngàn khách nước ngoài bị từ chối cho thuê phòng, Cục Quản lí Cạnh tranh vào cuộc điều tra.


Hàng ngàn khách nước ngoài bị từ chối cho thuê phòng, Cục Quản lí Cạnh tranh vào cuộc điều tra.

Theo đó, kể từ năm 2013, có đến 43 doanh nghiệp khách sạn tại TP Nha Trang đã ký hợp đồng cung cấp phòng với Công ty Ánh Dương. Đặc biệt, trong các hợp đồng ký kết này, có những điều khoản ràng buộc kéo dài có thể gây hậu quả cho ngành du lịch Khánh Hòa, làm méo mó hình ảnh thân thiện của ngành công nghiệp không khói tại địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam.

Sau khi có thông tin phản ánh trên báo chí đồng thời các đơn vị du lịch đã làm đơn tố cáo gửi lên Cục Quản lí Cạnh tranh (Bộ Công thương) để làm rõ vấn đề làm ăn kiểu “cạnh tranh không lành mạnh”. Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chính thức kí lệnh điều tra vụ việc “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của công ty du lịch” Ánh Dương.

Theo cáo buộc của các đơn vị du lịch tại TP Nha Trang, công ty Ánh Dương đã áp đặt điều kiện về hạn chế cạnh tranh trong các “Hợp đồng cung cấp phòng” được ký giữa công ty Ánh Dương với các doanh nghiệp khách sạn khu vực thành phố Nha Trang. Các đơn vị này cho biết, đây là sự điển hình cho sự “móc ngoặc” cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, trong các các hợp đồng giữa Ánh Dương và đối tác đều có thỏa thuận hạn chế cạnh tranh với nội dung: “Bên A (các khách sạn) chỉ có quyền xác nhận các booking cho du khách Nga, Ucraine, và các nước trong khối CIS bay bằng chuyên cơ đến Cam Ranh của bên B (Công ty Ánh Dương) mà thôi (ngoại trừ các booking online)”.

Điển hình cho sự “móc ngoặc” cạnh tranh không lành mạnh là Hợp đồng Fairy Bay ký với Ánh Dương:

Hay một trường hợp khác là Hợp đồng ký giữa Khách sạn Happy Light và Ánh Dương, trong đó ghi rõ: "Khách sạn không được quyền bán, giới thiệu hoặc cho phép bất kỳ cá nhân, công ty du lịch nào bán các tour khác cho khách hàng của Pegas. Hướng dẫn viên của Pegas chịu trách nhiệm bán các tour này. Điều lệ độc quyền: khách sạn không được phép kí kết hợp đồng với các công ty đối thủ của Pegas cung cấp dịch vụ bay từ Nga tới cảng Cam Ranh"

Cáo buộc của doanh nghiệp gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định: Bằng thoả thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi của công ty Ánh Dương đã trực tiếp ngăn cản, kìm hãm, không cho các doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển thị trường; buộc các công ty du lịch khác phải rời bỏ thị trường.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nêu trên của công ty Ánh Dương được thực hiện trong điều kiện công ty Ánh Dương phối hợp cùng với công ty PGS International – gọi tắt là công ty Pegas, quốc tịch Vương quốc Anh - đang có vị trí thống lĩnh thị trường.

“Ai làm sai pháp luật thì sẽ bị xử lý”

Trả lời báo chí, Chủ tịch Công ty Ánh Dương, bà Hoàng Thị Phong Thu cho rằng: “Công ty chúng tôi không thể là đối tượng để xem xét về vấn đề độc quyền, bởi vì chúng tôi không độc quyền khách du lịch Nga trong những khu nghỉ mát của Việt Nam… Chúng tôi không ép buộc bất cứ ai để hợp tác. Tất cả các thỏa thuận với các khách sạn và doanh nghiệp dịch vụ phục vụ cho khách du lịch đạt được trên cơ sở tự nguyện và đôi bên cùng có lợi”.

Hàng ngàn khách nước ngoài bị từ chối cho thuê phòng, Cục Quản lí Cạnh tranh vào cuộc điều tra.


Các đơn vị du lịch phản ánh Cty Ánh Dương đã "móc ngoặc" để thống lĩnh thị trường du lịch tại TP biển Nha Trang?!

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Vinh, Phó tổng giám đốc SMIC cho rằng: “Luật Cạnh tranh không những cấm doanh nghiệp có vị trí độc quyền mà cấm cả những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Tức là chỉ cần chiếm 30% thị phần trên thị trường liên quan, thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí của mình gây hạn chế cạnh tranh. Do vậy, việc Bà Thu cho rằng mình không độc quyền nên không thuộc đối tượng xem xét là chưa phù hợp”.

Theo Phó tổng giám đốc SMIC, việc hai doanh nghiệp ký hợp đồng với nhau không có nghĩa là họ tự nguyện hay không có sự áp đặt. Ví dụ khách sạn có thể đã lo ngại rằng nếu họ không chấp nhận những điều khoản hạn chế quyền tự do quyết định của họ để ký được hợp đồng với Công ty Ánh Dương thì họ có thể sẽ không có đủ khách thuê phòng của họ.

“Câu hỏi dành cho bà Thu là tại sao Công ty Ánh Dương không chịu bỏ đi điều khoản có tính hạn chế đó đi để các khách sạn được tự do lựa chọn đặt phòng của bất kỳ công ty du lịch nào khác, miễn rằng khách sạn vẫn đảm bảo phòng cho khách của Ánh Dương như đúng cam kết của các bên trong Hợp đồng đã ký.

Tương tự, tại sao Công ty Ánh Dương không chịu bỏ đi điều khoản mà họ đã bắt khách sạn chấp nhận để cho phép khách sạn được tự mình bán tours hoặc cho công ty khác vào bán tours cho khách ở khách sạn để tăng thêm sự lựa chọn cho các du khách”, Luật sư Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.

Theo tim hiểu của phóng viên, bên cạnh 40 hợp đồng công ty Ánh Dương ký với các khách sạn, công ty Pegas có ký 8 hợp đồng trực tiếp với 8 doanh nghiệp khách sạn, trong nội dung 8 hợp đồng này đều có điều khoản thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tương tự như hợp đồng công ty Ánh Dương ký với 40 doanh nghiệp khách sạn.

Trả lời báo chí trước đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch) - ông Nguyễn Mạnh Cường xác nhận, phía Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nắm được sự việc sau khi nhận được phản ánh và làm việc với các địa phương. Ông Cường cho biết, hiện vụ việc đang Cục Quản lý cạnh tranh điều tra nên nên phải chờ kết quả xử lý. Nếu xác định ai làm sai pháp luật thì đều bị xử lí theo quy đinh, Ông Cường khẳng định.

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm