Đẹp ngỡ ngàng cây cầu “sống” qua 3 thế kỷ ở Hà Thành

(Dân trí) - Hiền lành và chở che, với những giá trị của quá khứ lắng đọng trên từng nhịp, cầu Long Biên đã, đang và sẽ mãi là biểu tượng; là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

Hơn 100 năm trước, vào tháng 9/1898, Toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ. Cầu được đặt tên là Paul Doumer, nhưng người Hà Nội vẫn gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái.

Đẹp ngỡ ngàng cây cầu “sống” qua 3 thế kỷ ở Hà Thành
Cầu Long Biên đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới - được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội

“Sống” qua ba thế kỷ, lại trải qua bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông còn giữ được vóc dáng nguyên bản.

Cầu Long Biên đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới - được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội - chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ. Đây còn là công trình kiến trúc sắt thép duy nhất và đồ sộ nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Cầu không chỉ là ký ức của bao thế hệ người Hà Nội mà còn là chứng tích của lịch sử đau thương và anh hùng Việt Nam.

Cho đến bây giờ, cầu Long Biên vẫn không bị “khuất lấp” giữa những cây cầu hiện đại khác mà trái lại, dường như huy hoàng hơn bởi chính vẻ gỉ sét, già nua, đầy thương tích của mình.

Buổi sáng, rồi đến trưa, lúc chiều và khi đêm buông, cầu mang những vẻ đẹp rất khác nhau.
Buổi sáng, rồi đến trưa, lúc chiều và khi đêm buông, cầu mang những vẻ đẹp rất khác nhau.
Buổi sáng, rồi đến trưa, lúc chiều và khi đêm buông, cầu mang những vẻ đẹp rất khác nhau.

Đã có nhiều tay máy, đã chụp ảnh cầu Long Biên không biết bao nhiêu lần, có khi dành cả một ngày dài lang thang khắp "hang cùng ngõ hẻm" của cây cầu, cũng như cuộc sống của người dân bãi giữa để ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cây cầu. Nhưng cây cầu già nua ấy lại như “hớp hồn” mỗi khi ngang qua cầu Long Biên. Dường như với cầu Long Biên, cái bóng thời gian hiển hiện rất rõ ràng. Buổi sáng, rồi đến trưa, lúc chiều và khi đêm buông, cầu mang những vẻ đẹp rất khác nhau.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, những người con Hà Thành chỉ có thể đứng trên cầu Long Biên mới có cái tâm thế để ngắm nhìn Hà Nội với một vẻ đẹp vương vấn như một nỗi hoài niệm. Bây giờ khi Hà Nội đã nguy nga, quá nhiều tòa tháp cao tầng, không gian cũ gần như biến mất nhường chỗ cho vô vàn kiến trúc phá nát bầu trời phố cổ..., muốn ngắm thành phố vẫn phải từ cầu Long Biên. Đó là góc nhìn lý tưởng nhất.

Ngược đường là những người đi chợ hoa quả Long Biên.
Ngược đường là những người đi chợ hoa quả Long Biên.

Thời xưa, trên cầu Long Biên còn có cả ghế đá dành cho những người đi bộ, họ thong dong và ngắm cảnh sông Hồng mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Một chiếc cầu có tất cả các phần đường dành cho người đi bộ, đi xe cơ giới và tàu. Chính vì vậy, cây cầu dài này đã trở thành một phần đáng nhớ trong tâm thức mỗi người dân sống ở Hà Nội mà không phải cây cầu nào cũng có được.

Ngày nay, nó trở thành bạn của mọi người dân ngoại thành. Mỗi sáng, từng đoàn xe thồ than, rau xanh, cây cảnh… vào nội thành, công nhân, viên chức đến cơ quan, nhà máy; các bạn học sinh, sinh viên đến trường.

Ngược đường là những người đi chợ hoa quả Long Biên. Gió sông thổi qua cầu, thổi đi những giọt mồ hôi mặn mòi, vất vả. Buổi tối, từng tốp học sinh đợi nhau về. Họ cười nói ríu rít. Những xe than, sọt thồ rỗng không lại thanh thản qua cầu. Từ sáng đến tối, cầu luôn nhộn nhịp như thế.

Là tác phẩm nghệ thuật của bàn tay, khối óc con người, vẻ đẹp của cầu Long Biên còn được tô đậm thêm lên nhờ thời gian và giá trị lịch sử mà nó mang trên mình.

Bài, ảnh: Minh Phan