Đến An Giang, thưởng thức các món ăn từ bông súng

(Dân trí) - Mùa nước nổi về mang theo các loại đặc sản của vùng sông nước như: Cá linh, cua đồng, lươn đồng, bông điên điển,… Những món đặc sản này như níu chân du khách khi có dịp đến tham quan và thưởng thức các món ăn chỉ có trong mùa nước nổi.

Miền Tây những ngày bước vào mùa nước nổi là dịp người dân bản xứ khai thác hiệu quả sản vật để chế biến những món ăn ngon. Trong đó không thể không kể đến món bông súng.

Bông súng hay hoa súng là một loài cây dân dã có ở khắp nới trên đất nước Việt Nam. Cũng giống như hoa sen, bông súng có rất nhiều vào mùa hè. Nếu như hoa sen rất được những người dân miền Bắc ưa chuộng trong chế biến món ăn thì hoa súng lại được lòng người dân đồng bằng sông Cửu Long. Bông súng có thể chế biến được rất nhiều món ăn nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất là món mắm kho bông súng, gỏi bông súng, có kho bông súng.

Bông súng là loài cây dại mọc nơi ao hồ hoặc ở những thửa ruộng thấp vào mùa nước nổi.
Bông súng là loài cây dại mọc nơi ao hồ hoặc ở những thửa ruộng thấp vào mùa nước nổi.

Loài cây này vươn lên theo nước lũ, nước càng dâng cao thì cuống lá, cọng càng dài. Thông thường nước lũ miền Tây ngập trên cách đồng khoảng 4-5 m, thì cọng bông súng cũng mọc dài theo cỡ đó. Lá trải rộng trên mặt nước và hoa màu trắng hay màu hồng vươn lên khỏi mặt nước trông rất đẹp.

Hàng năm khi nước lũ kéo dài 4-5 tháng, bông súng mọc và trổ bông, làm trắng xóa cả cánh đồng bao la. Súng là loại "thủy mộc" không ai gieo hoặc chăm sóc mà vẫn xanh tốt. Bà con thường bơi ra thu hoạch vào sáng sớm để mang về chế biến.

Vì bông súng dài quá nên để dễ di chuyển, người dân phải khoanh tròn lại thành bó.
Vì bông súng dài quá nên để dễ di chuyển, người dân phải khoanh tròn lại thành bó.

Thông thường bông súng chỉ lấy cọng làm món ăn. Hái bông súng là nhổ cọng hoa bó lại mang về. Cọng bông súng thường to, mọng nước có thể làm được nhiều món ăn mang đậm hương vị đồng quê.

Ngon ngọt với gỏi bông súng.

Nếu đặt chân đến An Giang, bạn phải thử món gỏi bông súng vừa ngon vừa lạ miệng. Món ăn này đặc biệt kích thích vị giác khi được trộn với tôm, thịt, bánh phồng tôm.

Bông súng sau khi đem về thì lột sạch lớp da bên ngoài, cắt khúc, rửa sạch, ngâm nước đá để tăng độ giòn xong xong cho tỏi, ớt, chanh, đường và nước mắm vào. Sau đó đổ tôm sú luộc và thịt nạc khìa xắt mỏng vào trộn chung.

Gỏi bông súng có hương vi thanh mát, giòn ngon lạ miệng.
Gỏi bông súng có hương vi thanh mát, giòn ngon lạ miệng.

Ngoài ra bạn có thể rắc thêm rau rau răm, ớt đỏ thái chỉ, hành tây… vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà, nhìn vào là phát thèm và muốn khám phá ngay mùi vị đặc trưng của bông súng hương đồng gió nội. Chuẩn bị một chén nước mắm ớt tỏi tùy khẩu vị là đã có món gỏi bông súng ngon tuyệt.

Ăn món gỏi bông súng, người ăn cảm nhận được vị ngọt của phù sa và mát lành của sông nước đồng quê trong từng cọng bông súng. Nếu có thêm vị cay cay nồng nồng của đế nếp Gò Đen nữa thì món gỏi bông súng đã để lại trong lòng thực khách một hương vị nhớ đời của miền Tây.

Mặn mà bông súng mắm kho

Dù không được xếp vào những món ăn quý tộc, nhưng bông súng mắm kho đã có mặt từ rất sớm trong bữa ăn của đại bộ phận dân nông thôn miệt vườn. Đây là món ăn dễ làm, không tốn kém nhiều lại mang đậm hương vị đồng quê nên để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức những ai lần đầu thưởng thức.

Mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng ngâm trong hũ mắm bằng sành, trên gài nhánh cây ổi tươi có lót mo cau ăn mới ngon. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, ăn sống với cơm nguội càng ngon.

Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm. Nói đến mắm kho bông súng thì địa danh Đồng Tháp đã đi vào ca dao tục ngữ để chỉ món đặc sản này.
"Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm". Nói đến mắm kho bông súng thì địa danh Đồng Tháp đã đi vào ca dao tục ngữ để chỉ món đặc sản này.

Mắm lấy ra đem để trong nồi cho nước vào xâm xấp, nấu cho vừa sôi đem xuống rồi lược lấy nước bỏ xương. Nước đầu để riêng, nước thứ hai, nước thứ ba bắc nồi nấu lại thêm muối, bột ngọt, đừng quên thêm ớt, sả - hai món này không thể thiếu khi ăn mắm kho.

Sống giữa đồng nước mênh mông nên nồi mắm kho ở đây chỉ có cá rô, cá linh, cá lóc, con tép đất. Khi nồi mắm sôi vài lần thì trút mắm nước đầu vào cho sôi bồng lên, hớt bọt rồi nhắc xuống. Khi nấu, chúng ta có thể xắt cà nấu chung ăn càng ngon.

Ăn mắm kho bông súng đúng cách phải ngồi ăn dưới đất. Bông súng để nguyên cọng dài, dùng tay bẻ nùi bỏ vào chén, chan nước mắm kho lên cho ngập bông súng, thêm mấy con tép màu đỏ làm tăng thêm phần hấp dẫn rồi lấy đũa lùa vào miệng, từ từ nhai cho thấm vào tận chân răng.

Mắm kho thơm ngon lại có chất cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, cái giòn bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời. Có dịp đến Đồng Tháp, du khách sẽ thấy cách tiếp đãi nồng hậu của người dân nơi đây với nhiều món ăn lạ đồng quê, trong đó nồi mắm kho ăn với bông súng là món ăn đặc sản đáng để mọi người thưởng thức

Hoàng Ngọc

Tổng hợp