“Dấn thân” vào lĩnh vực Bất động sản (P.3)
Sau 25 năm khởi nghiệp, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Mường Thanh là Bất động sản với một loạt các dự án chung cư, nhà ở tại Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… Nhờ lợi thế về giá, phù hợp với mức thu nhập của đa số người dân Việt Nam, các dự án Mường Thanh thường mở bán rất nhanh và tạo nên “hiện tượng” trong ngành Bất động sản tại Việt Nam.
Sau một thời gian thành lập Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Lê Thanh Thản nhận thấy, với lợi thế kinh nghiệm về xây dựng đường, các công trình cơ quan nhà nước…, Mường Thanh có thể “lấn sân” sang lĩnh vực Bất động sản. Thời điểm khi đó (cuối năm 1999) chứng kiến cơn sốt bất động sản trở lại sau thời kỳ đóng băng trong giai đoạn 1995 - 1999. Giá nhà đất bắt đầu biến động, tiếp đó giá cả tăng nhanh liên tục và đạt đỉnh cao vào khoảng Quý II năm 2001. Phân khúc “sốt” mạnh trong thị trường giai đoạn này chính là nhà mặt tiền và đất dự án.
Năm 2000, Bác Thản quyết định đầu tư xuống Hà Nội bằng việc dồn tiền để mua một mảnh đất ở khu đô thị Linh Đàm, xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ. Đây được xem là một dự án mạo hiểm của Mường Thanh bởi kinh nghiệm và vốn đầu tư hạn chế. Ngoài ra, Linh Đàm những năm 90 của thế kỷ trước chỉ là khu vực ngập nước kém phát triển ở xa trung tâm Hà Nội, ít ai nghĩ có thể kiếm lời từ đây.
Tuy vậy, cái tên Lê Thanh Thản chỉ thực sự được biết đến khi ông thâu tóm 21ha đất ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội để xây dựng khu đô thị Xa La. Tiếp đó, Tập đoàn Mường Thanh nổi đình đám trong ngành Bất động sản khi đưa ra thị trường những căn hộ giá siêu rẻ, chỉ 10 triệu đồng/m2. Chủ tịch Thản từng đưa ra quan điểm: "Không để tiền chết, quay vòng vốn nhanh" và "Không bán rẻ thì rủ nhau chết, thà lãi ít còn hơn là chết". Nó được xem như triết lý kinh doanh của Tập đoàn Mường Thanh trong lĩnh vực Bất động sản từ đó đến giờ.
Tại thời điểm năm 2012, khi thị trường bất động sản đóng băng, việc Chủ tịch Thản đưa ra chiến lược nhà giá rẻ 10 triệu đồng/m2, nhiều người đã không tin và cho rằng, đây chỉ là “chiêu trò” của ông Thản. Tuy nhiên, nói là làm, nhà giá rẻ Đại Thanh của ông chỉ trong một thời gian ngắn đã bán hết veo, thậm chí thị trường còn xuất hiện tiền chênh. Cũng từ đây “nhà ông Thản” đã trở thành một thương hiệu nhà giá rẻ.
Bên cạnh đó, tập đoàn Mường Thanh cũng rất chú trọng, quan tâm và có nhiều đóng góp vào công tác thiện nguyện.
Đặc biệt, khu đô thị (KĐT) Linh Đàm với các dự án của Mường Thanh đã được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam. Để được công nhận là khu đô thi kiểu mẫu, các khu đô thi phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, như diện tích phải rộng từ 50ha trở lên, dân cư của các KĐT từ 5.000 người trở lên hoặc tương đương với 1.000 căn hộ, tỷ lệ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải lấp đầy hơn 70% diện tích và phải đạt 100% lượng cư dân đến ở, KĐT bao gồm các nhà cao tầng, nhà chung cư, biệt thự…
Đến nay, Tập đoàn Mường Thanh được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án như: Dự án Kim Văn Kim Lũ, VP5, VP6 Linh Đàm… Đặc biệt, vào năm 2016, Bác Thản đã quyết định mua lại dự án Thanh Hà từ chủ đầu tư Cienco 5 Land. Đây là khu đất có diện tích gần 400 ha, từng nổi danh trên thị trường bất động sản trong cơn sốt đất cách đây gần 8 năm trước. Tuy nhiên, do Cienco 5 Land không đủ năng lực tài chính để triển khai, dự án này trở nên hoang tàn, lãng phí.
Tiếp quản dự án từ Cienco 5 Land, Tập đoàn Mường Thanh đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng vào triển khai dự án như giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng điện, đường, xây dựng trường học, chợ và hoàn thành xây dựng 2 hồ cảnh quan diện tích gần 10 ha. Song song đó, Tập đoàn cũng đã triển khai xây dựng xong 22 km dự án tuyến đường trục phía Nam Hà Tây (cũ)… Định hướng phát triển của dự án Thanh Hà là trở thành khu đô thị sinh thái tiêu chuẩn với không gian cây xanh và diện tích mặt nước chiếm tỷ lệ lớn.
Sự linh hoạt trong chính sách bán hàng của Mường Thanh cũng được thể hiện rất rõ tại dự án này khi áp dụng mức giá bán từ 9,5 triệu đồng/m2. Giá căn hộ Dự án Thanh Hà chỉ từ 470 triệu đồng/căn hộ. Với mức giá này, dự án đã được khá đông khách hàng đón nhận và đặt mua.
Trong tương lai, khi hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, Thanh Hà hứa hẹn sẽ là khu đô thị mới góp phần giải quyết nhu cầu lớn về nhà ở của người dân. Ngoài ra, với việc mở rộng các khu đô thị ra khu vực xa trung tâm, bài toán về giãn dân, giảm áp lực giao thông cho khu trung tâm thành phố sẽ phần nào có lời giải. Đây cũng chính là tâm huyết của Chủ tịch Lê Thanh Thản khi quyết định tham gia vào thị trường Bất động sản cách đây gần 20 năm – người thu nhập trung bình thấp có khả năng mua nhà ở tại các đô thị lớn, như Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Nha Trang...
H.L