Dân du lịch thi nhau "săn" dâu Bạch Tuyết 2 triệu/kg ở Đà Lạt
(Dân trí) - Dù có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg nhưng giống dâu Bạch Tuyết lần đầu trồng thành công tại Đà Lạt vẫn được "săn lùng", tìm mua.
Ghé thăm Đà Lạt những ngày giữa tháng 6, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi được giới thiệu về loại dâu tây trắng muốt, màu sắc hoàn toàn trái ngược so với dâu tây thông thường nhưng có mức giá lên đến 2 triệu đồng/kg. Tất nhiên, với mức giá ngất ngưởng, gấp 5-7 lần, thậm chí cả chục lần so với nhiều loại dâu bày bán phổ thông tại "thành phố ngàn hoa", việc tìm mua được loại dâu đắt đỏ mang tên Bạch Tuyết này không hề dễ.
Nhờ sự trợ giúp của một chủ homestay, tôi có cơ hội đến thăm trực tiếp vườn dâu Bạch Tuyết đầu tiên tại Đà Lạt. Khu vườn rộng 800m2 này được chủ vườn sử dụng để thử nghiệm việc trồng giống dâu Bạch Tuyết hay còn gọi là dâu anh đào thuần chủng từ Nhật.
Chủ vườn cho biết: đây là giống dâu cực kì nhạy cảm nên việc trồng thành công không hề dễ. Bắt đầu thử nghiệm trồng từ năm 2018 nhưng sau nhiều lần trồng bằng hạt giống thất bại, đến gần 1 năm sau, chủ vườn mới thu hoạch những quả dâu đầu tiên bằng việc trồng từ cây giống được "xách tay" về Việt Nam.
"Tôi phải nhờ người thân xách tay vài cây Bạch Tuyết từ Nhật về để lấy giống. Với kỹ thuật và kinh nghiệm trồng dâu gần 10 năm, tôi đã nhân giống thành công được hơn 1.000 cây. Đến nay, giống này đã cho trái và chất lượng không thua kém gì hàng nhập từ Nhật", chủ vườn dâu nói.
Sau 3 tháng chăm sóc, dâu Bạch Tuyết mới bắt đầu ra trái. Nhưng tỉ lệ trái chỉ bằng 20% so với giống dâu tây đỏ. "Mỗi bụi chỉ cho từ 2- 3 trái trong khi mỗi bụi dâu tây đỏ loại A vẫn có từ 10 - 15 trái. Cách một ngày, tôi thu hoạch một lần được 20-30 kg nhưng vẫn không đủ hàng bán", chủ vườn cho biết.
Dâu Bạch Tuyết rất "khó tính" nên chúng phải được trồng trong môi trường đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm... Nhà vườn này luôn phải giữ nhiệt độ ở mức 10 - 28 độ C để dâu phát triển tốt, thêm vào đó là trang bị hệ thống lưới, quạt, nước sạch tiêu chuẩn.
Trồng Bạch Tuyết không thể sử dụng các loại phân bón thông thường mà phải dùng các chế phẩm sinh học hữu cơ sạch thì trái mới thơm, ngọt, thịt mềm. Chi phí đầu tư, chăm sóc cho giống dâu này gấp khoảng 20 lần so với dâu thông thường và khoảng 10 lần so với dâu trồng trên dàn.
Tùy kích cỡ mà giá bán lẻ mỗi kg dâu Bạch Tuyết dao động từ 1,2-2 triệu đồng. Hiện giá đắt nhất là loại dâu 12 trái một hộp 250 gram. Dâu bạch tuyết tại vườn này được phân loại làm 4 size theo chuẩn A,B, B+ và C.
"Tôi chưa nhân rộng diện tích trồng vì việc quản lý, chăm sóc còn nhiều khó khăn. Hiện nay, lượng dâu tại vườn không đủ bán. Chúng tôi cung cấp đi nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Sài Gòn và Hà Nội. Việc vận chuyển đi Hà Nội phải đi bằng máy bay và đóng gói cẩn thận để đảm bảo dâu tươi ngon, không dập nát", chủ vườn cho hay.
Tại Nhật Bản, dâu Bạch Tuyết là giống thuộc dòng quý hiếm và sang trọng. Loại dâu này được gọi là giống Shirou Houseki, hay White Jewel, và được bán với giá 1.080 yên (khoảng 240.000 đồng) mỗi quả, trọng lượng lớn nhất khoảng 50 gram. Loại dâu này được xem là có mùi thơm không kém gì nước hoa hạng sang.
Loại quả này được dùng nhiều nhất là ăn tươi, làm salad, nước ép, sinh tố hay trang trí trong các món bánh ngọt. Dâu tây Bạch Tuyết được xếp vào hàng trái cây đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.
Toàn Vũ