Cửu đỉnh được UNESCO công nhận di sản tư liệu

Vi Thảo

(Dân trí) - Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Chiều 23/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đối với Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Cửu đỉnh được UNESCO công nhận di sản tư liệu - 1

Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (Ảnh: Ngọc Hiếu).

Phát biểu tại lễ đón nhận, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ.

Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.

Việc UNESCO công nhận Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

Theo ông Phương, Thừa Thiên Huế vinh dự là địa phương đầu tiên của cả nước có di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (Quần thể Di tích Cố đô Huế, 1993) và cũng là nơi sở hữu Di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam, được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nhã nhạc cung đình Huế, 2003).

Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam, với 8 di sản đã được UNESCO công nhận.

Cửu đỉnh được UNESCO công nhận di sản tư liệu - 2

Cửu đỉnh trong Hoàng cung Huế (Ảnh: Vi Thảo)

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho rằng, những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh đã lưu giữ giá trị giao thoa,  tương tác giữa nền văn hóa của xã hội Việt Nam và các nước Đông Á. Đây là di sản tư liệu của nhân loại, cần được gìn giữ, bảo tồn, tiếp cận một cách toàn vẹn, vĩnh viễn và được công nhận đúng đắn.

Theo ông Jonathan Wallace Baker, Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt và gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn di sản.

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được ghi danh đã nâng tổng số di sản tư liệu của Việt Nam lên con số 10, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và bảy di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương.