TPHCM:
Cùng ngắm Quảng trường Vua Hùng mới, chuẩn bị mở cửa trong ngày Giỗ Tổ
(Dân trí) - Những công đoạn cuối cùng của công trình Quảng trường Vua Hùng trong công viên Đầm Sen đang vào giai đoạn hoàn thành, góp thêm một địa chỉ cho du khách đến tham quan trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ năm nay.
Công trình có 4 phần chính: Đền thờ, Thang rồng, Sân hành lễ và Vườn hoa. Phần lớn các chất liệu của công trình được làm bằng gỗ, mái ngói, nền gạch với kiến trúc đặc trưng đình chùa.
Xung quanh có lối dạo và vườn bonsai kiểng cổ xanh mát. Các hạng mục được kết nối một cách nghệ thuật đưa du khách thập phương đến với hành trình hướng về nguồn cội dân tộc.
Trước đó, nghi thức rước đất và nước thiêng đã diễn ra tại Phú Thọ: ngày 5/4, đặt linh vị, đất & lửa thiêng vào Quảng trường Vua Hùng tại Đầm Sen vào 10/4.
Nghi lễ Giỗ tổ chính thức được cử hành lúc 8h00 ngày 14/4 tại Quảng trường Vua Hùng gồm các nghi thức: biểu diễn cờ người, dâng đăng, tế văn, tế võ, dâng lễ vật, dâng hương. Phần tế văn do nghệ sĩ ưu tú Hữu Quốc & Quỳnh Hương phụ trách, phần tế võ do Hội võ cổ truyền TPHCM thực hiện.
Nhân dịp này, 3.000 chiếc bánh chưng được bà con nhân dân quận 11 thực hiện để dâng cúng Quốc Tổ. Sau khi hoàn tất nghi thức cúng Quốc Tổ, số bánh chưng này sẽ được tặng cho du khách tham dự lễ giỗ tại Đầm Sen và trẻ em các nhà mở, mái ấm trên địa bàn TPHCM như một cách thức để mọi người được đón nhận lộc tổ.
Các công đoạn trang trí đang gấp rút hoàn thành kịp lễ giỗ tổ
Tổng diện tích khuôn viên khu đền gần 1000m2. Bao gồm sân hành lễ được lát đá Granite với hoa văn mặt trời đặt ở chính giữa. Kế đến là khu vực thang rồng, tiết diện bề ngang là 4,5 mét, đáp ứng đoàn khách 5 hàng đi lên dâng hương cùng lúc.
Theo ông Dư Hữu Danh, GĐ công viên Đầm Sen thì trên cùng là khu vực dâng hương, được thiết kế 3 đền thờ. Chính giữa là chánh điện với tượng vua Hùng cao 1,7 mét, được làm bằng chất liệu composite phủ đồng, đặt trên bệ đá cao 0,8m.
Tay phải nắm chùm bông lúa, tay trái để tự nhiên trong tư thế ngồi trao đổi với các Lạc tướng, Lạc hầu.
Theo điêu khắc gia Phạm Văn Út, đây là bức tượng thể hiện được một vị Anh hùng khai quốc, sinh dân. Đồng thời cũng là một minh chứng lịch sử giúp con cháu người Việt nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước các vua Hùng. Thông qua đó, hình ảnh vua Hùng nắm trên tay bông lúa thể hiện ý muốn đề cao một nền văn hóa lúa nước của dân tộc Việt, cho con cháu đời sau phải gìn giữ và tôn vinh.
Bên phải của chánh điện là đền thờ Trần Hưng Đạo, người đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên–Mông (năm 1285 và năm 1288).
Công trình sẽ là một địa điểm về nguồn ý nghĩa cho đoàn viên, thanh niên cũng như là nơi giúp các em học sinh có cơ hội tìm hiểu lịch sử và đam mê hơn bộ môn này thông qua các hoạt động sôi nổi gắn liền kiến thức mang tính giáo dục cao.
Phạm Nguyễn