Con nhơn nhớt, "nhìn thì ghê ăn lại mê" thành đặc sản ở Ninh Thuận

Huy Hoàng

(Dân trí) - Khi mùa mưa tới, người Chăm ở Ninh Thuận nghe thấy tiếng kêu đặc trưng của ếch òn là biết mùa săn ếch bắt đầu. Những con tròn vo, phủ bên ngoài bởi lớp nhớt nhưng được chế biến thành đặc sản.

Thời gian gần đây, loại ếch nhỏ con nhưng phần bụng phình to, được chế biến nguyên con để cả da, trở thành thực phẩm được nhiều người săn đón.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không ít người chia sẻ video ăn thử "món ếch lạ". Người từng ăn thì tấm tắc khen ngon, người thấy lạ chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Theo tìm hiểu, loại ếch đang được nhắc nhiều chính là ếch òn, một đặc sản có tiếng ở vùng đất Ninh Thuận.

Con nhơn nhớt, nhìn thì ghê ăn lại mê thành đặc sản ở Ninh Thuận  - 1
Ếch òn là đặc sản mùa mưa của người dân tộc Chăm ở Ninh Thuận (Ảnh: Nhi Bùi).

Ếch òn là động vật lưỡng cư, sống trên đồi cát hoặc dưới chân núi, nơi đất cát tơi xốp. Thức ăn của chúng là các loài côn trùng có cánh bay tầm thấp như mối. Người đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận đã chế biến ếch òn thành món ăn "độc nhất vô nhị".

Cứ độ tháng 5 khi mùa mưa tới, người địa phương lại nghe thấy tiếng kêu rền vang của loài động vật lưỡng cư có phần bụng nở to đặc trưng. Đó cũng là dấu hiệu báo mùa săn ếch òn bắt đầu.

Những cơn mưa tầm tã thấm vào đất cũng là lúc ếch òn ra khỏi hang, ngoi lên mặt đất kiếm mồi, đẻ trứng và giao phối. Bên ngoài mỗi con ếch lại phủ lớp nhầy nhơn nhớt.

Chỉ những cơn mưa tháng 5, tháng 6 mới là lúc ếch òn xuất hiện nhiều. Đây cũng là mùa săn bắt duy nhất trong năm. Vẻ bề ngoài của ếch òn nhìn có phần hơi đáng sợ nhưng chúng được bà con chế biến thành nhiều món ăn giàu dinh dưỡng.

Chị Thanh Tuyền, một người dân Ninh Thuận cho biết, ếch òn được chia thành 2 loại gồm ếch òn đá và ếch òn thường. Trong đó, ếch òn đá xương to hơn nên có chiều dài nhỉnh hơn loại còn lại.

Con nhơn nhớt, nhìn thì ghê ăn lại mê thành đặc sản ở Ninh Thuận  - 2

1kg ếch còn sẽ tầm 10 đến 15 con tùy theo ếch to hay nhỏ (Ảnh: Ngọc Diệp).

Giá thực phẩm này tại các chợ quê vào khoảng 70.000-75.000 đồng/kg, nhưng nếu đưa về các thành phố lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá ếch có thể lên tới 200.000 đồng/kg.

Chị Ngọc Diệp ở chợ Phong Hòa, một đầu mối chuyên thu mua ếch òn cho biết, năm nay trào lưu ăn ếch òn rộ lên trên nhiều nền tảng mạng xã hội nên lượng người đặt mua ăn thử rất đông, hàng vừa về không kịp đủ chia cho khách.

Thịt ếch có độ đạm cao, xương mềm, nên có cách chế biến đa dạng như hấp chấm nước sốt, nướng trên than hoa chấm muối ớt, canh chua nấu cùng lá me non hoặc trộn gỏi.

Anh Quí Nguyễn ở Bình Thuận cho biết, cứ vào mùa ếch òn, anh lại săn tìm mua vài kg về để nấu đãi cả nhà ăn cho bõ cơn thèm. Theo anh, món dễ ăn nhất là ếch òn nấu canh chua với lá me. 

Con nhơn nhớt, nhìn thì ghê ăn lại mê thành đặc sản ở Ninh Thuận  - 3

Ếch òn nấu chua canh lá me được nhiều người ưa thích (Ảnh cắt từ clip).

Sau khi làm sạch với muối để khử lớp nhớt bám xung quanh, ếch òn vẫn để nguyên bộ da, cho vào chảo đảo thơm cùng hành tỏi phi.

Tiếp đó, anh Quí giã nhuyễn vài quả ớt sừng, đầu hành và muối hạt tạo thành hỗn hợp sền sệt, cho vào nồi nước. Đợi nước sôi, anh thả ếch vào đun, cho thêm chút nước cốt me và lá me tươi là món ngon hoàn thành.

"Bụng ếch chứa rất nhiều trứng non nên ăn béo ngậy. Tuy nhiên khi làm ếch cần nhớ bỏ ruột bởi bộ phận này chứa nhiều ký sinh trùng. Nấu thịt ếch cũng nên đun chín, không ăn sống tái có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe", anh Quí lưu ý.

Không chỉ là món ăn đặc sản của người Chăm ở Ninh Thuận, ếch òn cũng trở thành món được người dân tại cao nguyên Khorat, khu vực đông bắc Thái Lan ưa chuộng. Đặc biệt, cách chế biến của người địa phương tại đây khá tương đồng với Việt Nam.

Cũng giống như các trào lưu ăn uống khác từng nở rộ trên mạng xã hội một thời gian rồi biến mất, việc ăn ếch òn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam (VICA) cho rằng, xét về mặt văn hóa ẩm thực, món này tương tự như đuông dừa, nhộng ong rừng, da trâu, pịa, thắng cố... Đây đều là nhóm món ăn truyền thống của những dân tộc thiểu số đã và đang gây tò mò cho mọi người.

"Tuy nhiên, việc tận diệt bất kỳ một loại động, thực vật nào trong tự nhiên chỉ vì phục vụ cho mục đích khoái khẩu thì cần phải lên án, đặc biệt nếu chúng là những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Bởi vậy, chúng ta cần kêu gọi những người làm blogger, đầu bếp có tầm ảnh hưởng hãy tạo ra trào lưu ăn uống có trách nhiệm, mang lại lợi ích sức khỏe thân - tâm, bảo vệ môi trường và văn hóa trong cộng đồng", ông Quân đưa ra quan điểm.

Bên cạnh đó, bản thân vị Chủ tịch VICA cũng cho rằng, món ăn này dù đang nhận được sự quan tâm nhưng có thể mang tính thời vụ nhất định và không kéo dài do nhận thức của giới trẻ nhìn chung văn minh, bắt kịp xu hướng quốc tế hóa ít giết mổ, ăn uống có chọn lọc.