Cô gái đi khắp thế giới một mình bằng cách... ngủ nhờ nhà người lạ
(Dân trí) - Để tiết kiệm chi phí du lịch, cô gái đến từ khu vực Nam Á cho biết đã chọn cách ngủ nhờ nhà của người bản địa tại các điểm đến, thay vì tới khách sạn, nhà nghỉ.
Câu chuyện của Melissa Roy, một cô gái đến từ khu vực Nam Á đang trở thành nguồn cảm hứng du lịch cho nhiều tín đồ mê phượt trên thế giới.
Trước khi bước sang tuổi 30, cô đã đặt chân tới 100 quốc gia và 7 lục địa. Và 4 năm sau, vào ngày 26/12/2019, cô tới Bangladesh rồi trở thành người phụ nữ Nam Á đầu tiên tới mọi quốc gia trên thế giới.
"Tôi chọn Bangladesh là quốc gia cuối cùng bởi tôi muốn chuyến đi kết thúc ở nơi mọi thứ bắt đầu. Đây là chuyến đi trở về quê hương tổ tiên của mình, là cội nguồn của tôi", Roy trải lòng.
Quay trở lại với hành trình, Roy có những chia sẻ rất riêng về chuyến đi "dài hơi" của mình. Vốn sinh ra trong gia đình không hạnh phúc khi phải chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn, Roy gọi đó là một "tuổi thơ đau thương", nên cô luôn mong muốn được trốn thoát.
"Tôi không bao giờ thích ở nhà, luôn muốn được ra ngoài và giải tỏa mọi thứ". Roy dành năm thứ 2 đại học để tới Buenos Aires, Argentina, du học. Kể từ đây, cô biết mình đã tìm thấy "tiếng gọi" của riêng bản thân.
Trong khi hầu hết bạn bè đồng trang lứa về nhà trong kỳ nghỉ đông, Roy lại một mình đi khắp Nam Mỹ. "Tôi tranh thủ đi khắp nơi, từ Peru, Chile, Bolivia, Brazil, cho tới Machu Picchu", cô nói.
Cũng vì niềm đam mê du lịch, vào năm cuối đại học, cô đã tham gia khóa học trên biển. "Đó là lúc tôi sống trên một con tàu du lịch khổng lồ cùng 1.000 bạn sinh viên khác và được đi khắp thế giới. Chúng tôi tới 12 nước trong 100 ngày và được khám phá tất cả kỳ quan thế giới", Roy nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô đầu tư vào thị trường chứng khoán và nhận thêm công việc diễn xuất để có kinh phí cho cuộc phiêu lưu.
Trong suốt những chuyến đi, Roy luôn chỉ có một mình. Cô cho biết không thể tìm được ai đủ thời gian và tiền bạc đi cùng. "Hoặc họ không thích kiểu du lịch nhưng lại ngủ nhờ nhà người lạ như tôi", Roy nói.
Để tiết kiệm chi phí, Roy không thuê nhà nghỉ hay khách sạn. Thay vào đó, cô thường kết nối với người dân bản địa ở nơi đến, rồi xin ngủ nhờ lại nhà của họ. Cô cho biết nhờ điều này giúp bản thân có "sự kết nối mạnh mẽ hơn với người dân địa phương".
Đây cũng là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn và lo lắng bởi có thể xảy ra những trải nghiệm không tốt. Tuy nhiên, cô cho biết bản thân mình hầu như không gặp phải vấn đề gì.
"Tôi khuyên bạn nên cẩn thận và có thể tham khảo chéo để đảm bảo chủ nhà tốt và chỉ ở với những người có "hồ sơ sạch". Đôi khi cũng không nên quá tin tưởng trên mạng xã hội", Roy bày tỏ quan điểm.
Roy cho hay ở cùng người dân bản địa trong 3 ngày có thể thu về trải nghiệm bằng 2 tuần tự mò mẫm hoặc đi theo tour.
Trong hành trình của mình, Roy ấn tượng những ngày tham gia khoá đào tạo thợ lặn chuyên nghiệp có chứng chỉ ở Panama. Hay kỷ niệm đi bộ qua biên giới giữa Colombia và Venezuela.
Một mình đi khắp thế giới vốn là hành trình không đơn giản, nhưng Roy muốn truyền cảm hứng cho những phụ nữ tự mình đi du lịch.
"Không có ranh giới nào, chỉ có một hành tinh, một chủng tộc. Nhìn chung con người đều thân thiện. Cho dù đi bao xa, bạn sẽ nhận thấy, mọi người ở đâu cũng giống nhau", nữ phượt thủ trải lòng.