“Cò” đặc sản Đà Lạt hoạt động thành băng nhóm

(Dân trí) - Trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nạn "cò" đặc sản trên địa bàn TP Đà Lạt vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng "cò" tiếp thị trái quy định pháp luật, thậm chí còn có tình trạng băng nhóm trong hoạt động "cò".

Ngày 12/8, tin từ UBND TP Đà Lạt cho biết, qua đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nạn "cò" du lịch trong các hoạt động kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, bán hàng đặc sản, tham quan vườn dâu… trên địa bàn, cơ quan chức năng của thành phố phát hiện nhiều trường hợp vẫn đang sử dụng đội ngũ tiếp thị trái pháp luật dưới dạng "cò".


Cò đặc sản Đà Lạt thường tập trung tại các khu, điểm du lịch Đà Lạt

"Cò" đặc sản Đà Lạt thường tập trung tại các khu, điểm du lịch Đà Lạt

Trong đó, có 8 cơ sở kinh doanh còn sử dụng hình thức tiếp thị trái quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dưới dạng "cò" chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu và vẫn còn tình trạng băng nhóm trong hoạt động "cò".

Theo UBND TP Đà Lạt, xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, liên tục, không thể buông lỏng; lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo cho Công an TP Đà Lạt trên cơ sở xác định 8 cơ sở còn sử dụng loại hình "cò" có các biện pháp kiểm tra, xử lý dứt điểm và đề xuất thu hồi giấy phép kinh doanh nếu cần thiết.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, xử lý 34 đối tượng hoạt động "cò", đặc biệt là các băng nhóm. Thực hiện việc kiểm tra, xử lý "cò" theo kế hoạch và chỉ đạo của Công an tỉnh Lâm Đồng.

Trong đợt cao điểm xử lý vừa qua, Công an TP Đà Lạt đã nắm bắt được 62 đối tượng "cò", thông báo về cho địa phương quản lý, giáo dục. Đồng thời, xử lý 39 đối tượng tiếp thị dưới dạng "cò", tạm giữ 31 phương tiện do đối tượng sử dụng trong quá trình đeo bám theo du khách để mời chào, chèo kéo mua hàng, gây mất an toàn giao thông và trật tự đô thị...

Theo cơ quan chức năng TP Đà Lạt, sau các đợt cao điểm xử lý, tình trạng hoạt động kinh doanh dưới dạng "cò" nay đã có chuyển biến đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một số đối tượng “cò” lén lút hoạt động.

Minh Anh