Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng

Hoài Sơn
Đà nẵng

(Dân trí) - Từ trên cao nhìn xuống, khu rừng che chở cho cả làng chài. Điều lạ là trải qua nhiều thế kỷ nhưng rừng vẫn xanh tốt và người dân Nam Ô (Đà Nẵng) xem đây là rừng cấm, rừng thiêng.

Rừng thiêng của làng

Vào một ngày đầu năm mới, chúng tôi lặn lội về làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để nghe câu chuyện về khu rừng cấm hàng nghìn năm tuổi nơi đây.

Đây cũng là khu rừng cực hiếm nằm ngay khu dân cư, bên biển rì rào sóng vỗ đêm ngày. Trải qua nhiều thế kỷ, khu rừng vẫn luôn xanh tốt.

Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng - 1

Khu rừng Nam Ô là khu rừng cực hiếm nằm ngay khu dân cư và giáp với biển (Ảnh: Hoài Sơn).

Đang ngồi vá lưới cá bên khu rừng già, ông Nguyễn Khương (55 tuổi) cho hay, khu rừng cấm đã tồn tại từ rất lâu. Rừng rất linh thiêng và được xem là báu vật của làng chài Nam Ô.

Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng - 2

Ông Nguyễn Khương, ngư dân làng chài Nam Ô, cho hay khu rừng cấm ở làng rất linh thiêng (Ảnh: Hoài Sơn).

Để tìm hiểu rõ hơn về khu rừng, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Dùng (74 tuổi) là người chuyên nghiên cứu lịch sử của làng. 

Theo ông Dùng, từ thời vua chúa xưa, gành đá Nam Ô được xem là núi cấm, cấm chặt cây, cấm lấy đá.

Quy định này được dân làng nhiều đời tuân thủ nghiêm ngặt, ai vi phạm sẽ bị bắt tội. Thậm chí người ta còn cho đây là khu rừng linh, chỉ được sử dụng gỗ cho việc xây dựng đình miếu.

Có nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử sau khi cho phép chặt cây để sử dụng việc công của làng mà không thiết lễ xin phép, người dân trong làng lấy đá gành về kè bờ rào, làm ông táo nhóm bếp thì sẽ có tai họa, cháy nhà, chìm ghe.

Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng - 3

Người dân làng Nam Ô quan niệm không được chặt những cây lớn ở trong khu rừng (Ảnh: Hoài Sơn).

Dân gian truyền rằng đó là do thần rừng không thuận ý. Điều ấy giải thích vì sao trong cảnh thiếu thốn chất đốt trầm trọng một thời, gành đá vẫn nguyên màu xanh tốt rậm rạp.

Đặc biệt, từ xưa đến nay, rừng cấm này hầu như chưa xảy ra một vụ cháy nào, dù nằm sát khu dân cư, không tránh khỏi sự vô tình lơ đễnh.

Nhiều cây cổ thụ vẫn tồn tại từ lúc gành đá được sinh ra. Người bảo vệ rừng và rừng lại bảo vệ người bằng bức tường thiên nhiên trước những trận cuồng phong bão tố từ biển.

Ẩn chứa những dấu tích lịch sử

Dẫn chúng tôi đi dọc phía nam khu rừng, ông Dùng giới thiệu về 2 phế tích của nhiều thế kỷ trước bị vùi lấp chỉ còn lại nền móng trơ vơ.

Ông Dùng cho hay, theo truyền thuyết thì Miếu Bà Chúa Tiên Thần Nữ (vị nữ thần bảo hộ dân làng có từ thế kỷ XVI-XVII) có người cho là thần hiệu khác của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, có bài vị tình cờ được phát hiện ở đây, dân làng đã thỉnh về thờ trong miếu mang tên Miếu Bà Liễu Hạnh ở phía tây gành này.

Phía ngoài được cho là miếu vọng công chúa Huyền Trân. Tương truyền, công chúa về làm vợ vua Chiêm Thành là Chế Mân được hơn một năm thì vua chết, theo tục lệ hoàng hậu sẽ bị hỏa thiêu.

Lo sợ điều ấy, vua Trần Anh Tông đã cử tướng tài vào kinh đô Đồ Bàn (Bình Định) lập kế cứu Huyền Trân.

Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng - 4

Phế tích được cho là miếu vọng Huyền Trân công chúa, nay chỉ còn bức bình phong không nguyên vẹn (Ảnh: Hoài Sơn).

Trong hành trình đào thoát, khi đến Nam Ô, một viên tùy tướng của Trần Khắc Chung và nhiều binh lính đã ở lại chặn đường quân Chiêm để công chúa lên đường về Đại Việt.

Và khu rừng Nam Ô chính là điểm ẩn nấp cuối cùng của công chúa trước khi về cố quốc.

Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng - 5

Đường mòn trong rừng quanh co và luồn qua những gốc cây uốn lượn (Ảnh: Hoài Sơn).

Cách miếu vọng Huyền Trân Công Chúa không xa, có một hang gọi là hang Cây Bớm, vì trước đây cửa hang có một cây bớm nhiều gai sắc nhọn. Hang chỉ rộng chừng 2m, sâu hơn 3m, ẩn dưới bụi rậm nên khó tìm.

Đây là nơi trú ẩn và hội họp của các chiến sĩ cách mạng và đội du kích thời kháng Pháp. Thời chống Mỹ, rừng này cũng là nơi ẩn nấp của các chiến sĩ đặc công. 

Rừng Ái Ân

Độc đáo hơn cả trước mặt khu rừng nối với biển chính là gành đá lởm chởm đủ màu sắc mang dáng vẻ hoang sơ kỳ lạ nhoài mình ra sóng nước.

Theo ông Dùng, gành đá Nam Ô vốn là núi thấp, nhỏ, chạy từ tây sang đông (từ đất liền nhô ra biển) ước chừng 500m so với mực nước biển.

Trên núi chất chồng những tảng đá to, nhỏ khác nhau, mọc nhiều cây gỗ, phía Nam có nhiều cây cổ thụ. Nửa phần núi nhoài ra biển, sóng biển xâm thực hình thành gành đá bao bọc xung quanh.

Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng - 6

Núi chất chồng những tảng đá to, nhỏ khác nhau, mọc nhiều cây gỗ tạp tạo thành rừng và nửa phần núi nhoài ra biển (Ảnh: Hoài Sơn).

Gành có nhiều hòn đá được dân gian đặt tên theo hình thể như hòn Bàn có mặt bằng vuông vức, hòn Dù như con ốc dù nằm cheo leo bên bờ nước, hòn Giăng ngập trong nước biển giăng dài ra biển.

Những hòn đá mang nhiều hình thể gợi cảm ấy đã từng là sản phẩm bị săn tìm, khi những chiếc xà lan vào năm 1991 đã áp sát bờ để trộm, cướp đi, nhưng đã bị dân làng đồng lòng xua đuổi.

Chuyện ít biết về khu rừng cấm linh thiêng nghìn năm tuổi ở Nam Ô Đà Nẵng - 7

Hòn Giăng ngập trong nước biển giăng dài ra biển (Ảnh: Hoài Sơn).

Trước năm 1975, gành đá Nam Ô này là một địa điểm thanh niên, sinh viên học sinh, người dân Đà Nẵng và vùng lân cận tìm đến thư giãn cuối tuần.

Có nhiều hàng quán tự phát được mọc lên trên bãi Làng, bãi Cửa, trên gành đá, rạn rêu nhưng tuyệt nhiên không có quán nào dựng lên trong rừng.

Rừng vẫn giữ được nét nguyên sơ kín đáo, dành cho cuộc hẹn hò của các cặp tình nhân. Để rồi gành đá Nam Ô được báo chí thời ấy đặt cho cái tên Rừng Ái Ân!.