"Chợ chú rể" tồn tại 700 năm: Đàn ông đứng tạo dáng, chờ "nhà gái" đến chọn

Huy Hoàng

(Dân trí) - Bên trong "khu chợ" đặc biệt này, các chú rể đứng "tạo dáng" chờ những người giám hộ từ phía "nhà gái" tới lựa chọn. Ai là có công việc càng danh giá, càng có cơ hội nhận được của hồi môn cao.

Chú rể có nghề nghiệp càng danh giá, nhận của hồi môn càng nhiều

Giữa cái nóng như thiêu đốt của một buổi chiều tháng 7 ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ, một người đàn ông ngoài 30 tuổi trông có vẻ lo lắng, đang đứng ở một góc. Anh mặc chiếc áo sơ mi hồng, quần tây đen, chờ đợi trong sự thấp thỏm. Nay là một ngày trọng đại của anh.

Đó là anh Nirbhay Chandra Jha, 35 tuổi. Người đàn ông này đã đi hơn 100km từ quận Begusarai đến quận Madhubani, với hy vọng tìm được một cô dâu phù hợp. Hàng năm tại quận Madhubani, người ta vẫn tổ chức "chợ chú rể", đến nay đã tồn tại suốt hơn 700 năm qua.

Chợ chú rể tồn tại 700 năm: Đàn ông đứng tạo dáng, chờ
Những người đàn ông xuất hiện ở "phiên chợ chú rể" tại bang Bihar (Ảnh: Aljazeera).

Ở "phiên chợ" đặc biệt này, những người đàn ông có nhu cầu lấy vợ, phải tự "quảng cáo" về bản thân với gia đình cô dâu. Nếu thành công, họ có thể đòi hỏi của hồi môn từ phía nhà gái.

Anh Jha cho biết chỉ cần nhà gái tặng cho mình phần hồi môn khiêm tốn, khoảng 630 USD (hơn 14,7 triệu đồng) là đủ.

"Nếu còn trẻ, tôi có thể dễ dàng đòi được khoản hồi môn từ 2.500 USD đến 3.700 USD, khoảng 58 triệu đồng đến 86 triệu đồng", anh nói.

Đang là quản lý của một nhà máy với mức thu nhập ổn định, Jha tự tin cho rằng mình là người chồng lý tưởng.

Hiện đòi hỏi của hồi môn được coi là hành vi phạm pháp tại Ấn Độ, nhưng điều này vẫn được một số địa phương chấp nhận. Tại các bang như Bihar và Uttar Pradesh, chuyện nhà trai "đòi" của hồi môn từ nhà gái là điều rất phổ biến.

Chợ chú rể tồn tại 700 năm: Đàn ông đứng tạo dáng, chờ
Anh Nirbhay Chandra Jha là một trong những "chú rể" xuất hiện ở khu chợ để tìm vợ (Ảnh: Aljazeera).

Theo số liệu từ tờ Aljazeera, mỗi năm, người Ấn Độ chi khoảng 5 tỷ USD cho của hồi môn. Con số này tương đương với mức chi tiêu hàng năm cho y tế công cộng của quốc gia này.

Các chú rể có công việc càng danh giá, thì càng được nhà gái săn đón và nhu cầu nhận của hồi môn càng cao. Những nghề như kỹ sư, bác sĩ, nhân viên chính phủ, được săn đón nhiều nhất.

Nhìn bề ngoài, hầu hết những người đàn ông tìm đến khu chợ này đều đến từ những khu vực nông thôn. Họ có mối quan tâm đặc biệt tới việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Nhưng đến nay, "chợ chú rể" đã bớt đông đúc hơn trước.

Những cô dâu bị gạt bỏ quyền chọn chồng

Gần nơi Jha đứng, có khoảng 20 người đàn ông khác đang thảo luận. Dường như họ là "đại diện" gia đình các cô dâu. Phụ nữ không được xuất hiện tại "khu chợ chú rể". Họ không có quyền tự quyết trong hôn nhân của mình. Đây là vấn đề bất cập.

Tại khu chợ 700 năm tuổi này, những "chú rể" có nguyện vọng lấy vợ sẽ đứng ra trước đám đông để giới thiệu. Còn người giám hộ phía "cô dâu" thường là cha hoặc anh trai, sẽ tuyển chọn họ.

"Như thể nhà gái chỉ cần mua một chú rể mà họ ưng cho cô dâu, miễn sao đủ sức trả của hồi môn theo yêu cầu. Hôn nhân ở nơi này như được mang ra để giao dịch", một người đàn ông giấu tên chia sẻ quan điểm với tờ Aljazeera.

Chợ chú rể tồn tại 700 năm: Đàn ông đứng tạo dáng, chờ
Một đám cưới truyền thống ở Ấn Độ (Ảnh: Vogue India).

Theo phóng viên tờ báo này, "chợ chú rể" đã bị chính quyền bang Bihar coi là hủ tục, cần bị xóa bỏ. Giới chức bang đã kêu gọi người dân tẩy chay hủ tục yêu cầu của hồi môn trong việc cưới xin. Trên nhiều bức tường ở bang Bihar, du khách không khó bắt gặp những dòng chữ, hình vẽ kêu gọi xóa bỏ hủ tục này.

Những gia đình hiện đại ở Ấn Độ ngày nay đã ít can thiệp tới quyền lựa chọn hôn nhân của con cái hơn trước. Với việc truy cập Internet, việc mai mối đang trở nên phổ biến trên nhiều nền tảng trực tuyến. Ấn Độ hiện là quốc gia sở hữu trang web mai mối hôn nhân lớn nhất trên thế giới. 

"Nếu như trước kia, xe bus chạy khắp bang đưa mọi người tới khu chợ. Nhưng giờ, gần như chẳng có nổi vài trăm chú rể tập trung cho những phiên chợ như thế", ông Swaraj Chaudhary, 50 tuổi, một người dân địa phương, cho biết.