Gia Lai:
Chiêm ngưỡng nhà rông lớn nhất Tây Nguyên
(Dân trí) - Nhà rông Kon Sơ Lăl được biết đến là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên. Đây là ngôi nhà rông được huy động hàng ngàn ngày công của dân làng và được dựng lên bởi nhà kiến trúc sư “không biết chữ”.
Cách TP. Pleiku 50 km về phía bắc, ngôi nhà rông Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, H.Chư Păh, Gia Lai) nằm trong một ngôi làng vùng khó. Nhà rông Kon Sơ Lăl được xây dựng trong vòng 4 tháng bắt đầu từ tháng 4/2017. Trước đó, người dân đã bỏ ra 1 năm để chuẩn bị nguyên liệu. Khi thi công người dân bỏ gần 4.000 ngày công. Nhà rông được hoàn thành vào tháng 8/2017 và trở thành nhà rông lớn nhất Tây Nguyên với chiều dài là 23m, cao 20m, rộng chính giữa là 12m, rộng 2 bên mỗi bên 10m.
Giữ cái nắng hơn 41 độ, chúng tôi tìm già Sôn - người già làng chứng kiến từng thăng trầm lịch sử của làng Kon Sơ Lăl. Ông cũng là vị kiến trúc sư “không chữ” đã huy động hàng ngàn ngày công của dân làng để dựng nhà rông Kon Sơ Lăl nhằm bảo tồn những nét văn hóa xa xưa của dân tộc người Bahnar cổ nơi đây.
Già Sôn chia sẻ: “Khoảng tháng 4/2015, trong một cơn mưa giông, sấm sét đã đánh trúng ngôi nhà rông cũ của làng Kon Sơ Lăl. Sau trận hỏa hoạn, dân làng trở nên buồn bã, tiếc thương cho ngôi nhà rông được xem là linh hồn của làng. Lúc này, họ cùng nhau thu dọn những cây gỗ trắc lớn chưa cháy hết để cất giữ. Sau nhiều năm chuẩn bị, đến năm 2017 người dân đã chung tay xây dựng lại ngôi nhà rông mới, lớn hơn nhiều so với nhà rông cũ.
Ông Yưuh (thôn trưởng cũ làng Kon Sơ Lăl) cho biết: “Công tác dựng nhà rông mới mất 1 năm. Tiền dựng nhà rông có được nhờ bán các trụ gỗ còn sót lại của nhà rông cũ. Chúng tôi huy động hết sức lực của dân làng để cùng chung sức xây dựng nhà rông. Đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng thì lên bào gỗ, mây, tre, nứa. Phụ nữ trong làng thì đi lấy tranh về lợp mái.”
Điều đặc biệt ở căn nhà rông lớn nhất Tây Nguyên này chỉ được dựng bằng khối óc và con mắt của già làng Sôn. Già Sôn không biết chữ và không có vẽ bản thiết kế. Ông Sôn bảo: “Tôi không vẽ bản thiết kế nào cả, vì tôi không biết chữ, tất cả tôi chỉ nghĩ trong đầu. Tôi nói với bà con, nhà rông mới sẽ được dựng giống nhà rông ở làng cũ để bà con biết. Nhưng dân làng thống nhất sẽ làm nhà rông to hơn nhà rông ở làng cũ để đủ sức chứa cả làng. Đến lúc thực hiện, những người có uy tín trong làng sẽ cùng tôi dùng giám sát các quy trình để đưa ra những phán đoán chuẩn xác nhất để dân làng mình thực hiện”.
Hình ảnh nhà rông Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh):
Phạm Hoàng