Cây cổ thụ duy nhất thế giới có quyền sở hữu chính mình và đất xung quanh

Huy Hoàng

(Dân trí) - Một cây sồi trắng cổ thụ nằm ở bang Georgia, Mỹ, là cây cổ thụ duy nhất trên thế giới tự sở hữu chính mình và khu đất xung quanh nó.

Cây cổ thụ duy nhất thế giới có quyền sở hữu chính mình và đất xung quanh

Tại ngã tư của phố Dosing và phố Finley trong khu dân cư yên tĩnh gần trung tâm thành phố Athens thuộc bang Georgia, Mỹ, có một cây sồi trắng. Đây cũng là cây cổ thụ duy nhất trên thế giới sở hữu chính mình suốt gần 2 thế kỷ qua và mảnh đất nhỏ xung quanh gốc của nó.

Câu chuyện về quyền sở hữu riêng của cây sồi cổ thụ bắt đầu xuất hiện từ năm 1890 khi một tờ báo địa phương đưa tin. Theo nội dung bài báo, tài sản ban đầu vốn thuộc về một vị Đại tá có tên William Henry Jackson.

Cây cổ thụ duy nhất thế giới có quyền sở hữu chính mình và đất xung quanh - 1
Cây cổ thụ duy nhất thế giới có quyền tự chủ chính mình. (Ảnh: Bored Panda).

Vốn là người có tình yêu đặc biệt với thực vật nhất là cây sồi trắng, ông đã coi nó là người bạn tri kỷ của mình. Để giúp cây có thể tồn tại mãi mãi ngay cả khi bản thân mình không còn, ông đã nghĩ ra một cách đặc biệt.

Vào khoảng giữa năm 1820 và 1832, Đại tá Jackson đã chuyển bị một chứng thư nhượng quyền sở hữu cho chính bản thân cây sồi và khu đất trong phạm vi 2,5 m quanh gốc cây. Qua thời gian, dù giấy tờ gốc của chứng từ chuyển nhượng không còn, nhưng quyền sở hữu cây sồi vẫn được giữ nguyên.

Cây cổ thụ duy nhất thế giới có quyền sở hữu chính mình và đất xung quanh - 2
Tấm bia khắc trích nội dung chuyển nhượng của Đại tá Jackson. (Ảnh: News).

Người duy nhất nhìn thấy chứng thư này chính là tác giả ẩn danh của bài báo nọ. Dù tính xác thực chưa được làm rõ, nhưng dần dần, người dân tại đây công nhận sự tồn tại của chứng thư dù nó đã thất lạc.

Trên thực tế, Đại tá William H. Jackson đã sở hữu bất động sản nằm ở đối diện đường Dosing. Sau đó, vào năm 1832, ông bán căn nhà đồng thời lập chứng thư khắc lên phiến đá đặt phía trước thân cây.

Vẫn trong năm đó, một tấm bia khắc trích nội dung giấy chuyển nhượng đặt trước gốc cây để đánh dấu chủ quyền của nó. Hiện tại, quyền sở hữu cây sồi vẫn giữ nguyên vẹn và được chính quyền sở tại chính thức công nhận điều này.

Cây cổ thụ duy nhất thế giới có quyền sở hữu chính mình và đất xung quanh - 3
Hiện cây sồi non nhỏ đã mọc lên ở vị trí ban đầu, thay thế cây sồi cũ đã chết. (Ảnh: News).

Một thực tế là cây sồi ban đầu không còn nữa. Vào năm 1942, nó đã bị nhiễm bệnh và đổ gãy trong một trận gió bão. Cây cũ cao hơn 30 m, ước tính có tuổi đời từ 150 đến 400 năm khi bị đổ. Suốt 4 năm sau, mảnh đất nhỏ nơi cây sồi cũ chết đi vẫn bị bỏ trống. Sau đó, người ta thấy một cây non mọc lên từ gốc và dần phát triển cho tới ngày nay.

Hàng năm, người dân địa phương vẫn giữ thói quen trang trí cây vào dịp Giáng sinh. Đồng thời, cây sồi con này đã trở thành một trong những điểm tham quan thú vị khi du khách tới thăm bang Georgia.