Cây cầu vô dụng nhất thế giới và câu chuyện gây bất ngờ phía sau

Huy Hoàng

(Dân trí) - Từng được xem như một kỳ quan, trở thành niềm tự hào của người dân địa phương, nhưng rồi chỉ sau một biến cố, nó đã trở thành "cây cầu vô dụng nhất thế giới".

Ở Choluteca, Honduras (quốc gia thuộc khu vực Trung Mỹ) có một cây cầu khổng lồ, được người dân gọi đùa là "cầu chẳng dẫn tới đâu cả". Trong khi đó, có người "nói khó nghe" hơn, thì bảo đó là "cây cầu vô dụng nhất thế giới".

Vậy thực hư mọi chuyện ra sao? 

Từng được xem như một kỳ quan, là niềm tự hào

Khu vực sông Choluteca vốn là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lốc xoáy, gió bão. Bởi vậy, chính quyền địa phương muốn xây dựng một cây cầu vững chắc bắc ngang qua sông nhưng phải đảm bảo chống chọi được thời tiết khắc nghiệt.

Cây cầu vô dụng nhất thế giới và câu chuyện gây bất ngờ phía sau - 1
Cầu Choluteca do nhà thầu Nhật Bản xây dựng, từng là niềm tự hào về cả kiến trúc và kỹ thuật (Ảnh: WK).

Vào những năm 1930, người ta xây dựng cây cầu bắc ngang qua và đặt tên trùng với dòng sông cho dễ nhớ. Khi đó, cầu Choluteca được ca ngợi giống như cầu Cổng Vàng nổi tiếng của Mỹ và trở thành niềm tự hào đối với người dân địa phương.

Tới năm 1996, sông Choluteca chứng kiến thêm sự xuất hiện của một cây cầu khác. Đó là cầu Puente Sol Naciente nhưng vẫn được người dân gọi là "cầu Choluteca mới" cho dễ nhớ. Công trình khánh thành năm 1998, được ví von như một "kỳ quan về công nghệ". Nó được xem như công trình hiện đại bậc nhất về cả thiết kế lẫn kỹ thuật.

Trận bão thay đổi "định mệnh"

Bất ngờ, năm 1998, cơn bão Mitch cấp 5 quét qua Honduras. Đây là cơn bão gây ra số ca tử vong thứ 2 được ghi nhận ở khu vực Đại Tây Dương.

Nó khiến nhiều cơ sở hạ tầng ở Honduras bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có cầu Choluteca mới được khai trương cách đó không lâu. Những phương tiện cơ giới nặng không được di chuyển qua cầu nữa để đảm bảo an toàn.

Cây cầu vô dụng nhất thế giới và câu chuyện gây bất ngờ phía sau - 2
Sau nhiều thiên tai như bão gió, lốc xoáy, công trình vẫn hiên ngang trụ vững (Ảnh: News).

Ảnh hưởng của bão khiến lượng nước mưa đổ xuống khu vực này tăng đột biến, hơn 1.900mm và kéo dài 4 ngày. Các chuyên gia nhận định, lượng nước do cơn bão Mitch mang tới trong 4 ngày tương đương với nước sông Choluteca nhận được trong nửa năm.

Nước sông dâng cao gây ngập lụt toàn bộ khu vực, làm 11.000 người thiệt mạng ở khu vực Trung Mỹ, chỉ riêng số người tử vong do bão ở Honduras đã lên tới 7.000 người. Cầu Choluteca bị phá hỏng, còn cầu Puente Sol Naciente (cầu mới) không bị ảnh hưởng nhiều.

Cây cầu vô dụng nhất thế giới và câu chuyện gây bất ngờ phía sau - 3
Tuy nhiên sau trận bão lịch sử khiến dòng chảy của sông bên dưới đổi hướng, biến Choluteca thành cây cầu "vô dụng nhất thế giới" (Ảnh: Travel).

Nhưng điều chẳng ai ngờ tới lại xảy ra. Cơn bão mạnh đã thay đổi hoàn toàn dòng chảy của sông Choluteca. Dòng chảy của nó lệch hẳn sang hướng khác, ở kế bên cây cầu. Kể từ đó, cây cầu mới bị cô lập vì không có đường đến, cũng chẳng có đường đi, không bắc qua sông và không đi tới đâu cả.

Sự tàn phá của thảm họa tự nhiên quá lớn vượt quá dự tính của con người, đến nay, chưa ai từng nghĩ tới việc chuyển hướng dòng sông để nó chảy ngược trở lại về phía cây cầu mới. Thậm chí, có ý kiến liệu nên xây cầu mới nối với cầu cũ, tạo ra đường mới hay không. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở ý tưởng.

Cây cầu vô dụng nhất thế giới và câu chuyện gây bất ngờ phía sau

Câu chuyện về cầu Choluteca xảy ra cách đây hàng chục năm, nhưng hiện công trình này vẫn còn đó. Cầu trở thành hình ảnh ẩn dụ cho những biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống.

Thậm chí, câu chuyện về cầu Choluteca đã tạo nên một thành ngữ mới "Don't be the Choluteca Bridge. Be relevant with time" (Tạm dịch: Đừng biến mình thành cây cầu Choluteca, hãy thích ứng với hoàn cảnh). Theo lý giải, nếu không chịu thích ứng với những thay đổi, mọi thứ cho dù hoành tráng đến mấy cũng sẽ vô dụng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm