Bún, phở Hà Nội "núp" ngõ hẹp, chân cầu thang, khách vẫn nườm nượp
(Dân trí) - Dù vị trí không thuận lợi, nằm trong ngõ hẹp hay dưới chân cầu thang cũ kĩ, ban công chật chội nhưng nhiều quán bún, phở Hà Nội vẫn đông nườm nượp khách, bán vài trăm bát mỗi ngày.
Độc lạ quán phở "đi đường hầm, ăn trong lô cốt" ở Hà Nội
Đầu đường Lê Duẩn cắt ngang đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội) có một quán phở "lạ đời". Quán nằm sâu trong con ngõ tối, sâu hun hút, chiều rộng chỉ vừa một người đi qua, biển hiệu thô sơ, không gian quán chật hẹp với 4-5 bộ bàn ghế.
Chủ quán tận dụng căn phòng nhỏ tầng một cũ kĩ của gia đình vừa làm bếp vừa xếp chỗ ngồi cho thực khách. Vậy nhưng, quán luôn đông khách. Nhiều người gọi đây là "phở đi đường hầm, ăn trong lô cốt".
Chủ quán phở là bà Nguyễn Thị Thịnh (55 tuổi). Bà Thịnh cho biết, quán phở của bà không theo phong cách của phở Nam Định hay phở Hà Nội. Bà nấu theo khẩu vị của bản thân, sau đó mời gia đình, hàng xóm, khách hàng vừa ăn vừa góp ý để thay đổi dần dần.
"Trước kia, tôi thuê cửa hàng bên ngoài, nằm ở mặt đường, tiện buôn bán. Nhưng hơn chục năm nay, giá thuê nhà tăng vọt, tôi chuyển vào trong ngõ, bán tại nhà mẹ đẻ nhằm tiết kiệm chi phí", bà Thịnh cho hay.
Phở bà Thịnh được thực khách nhận xét là có hương vị đậm đà, nước dùng ngọt thanh, thơm mùi hồi quế nhưng không bị nồng.
Bà bán ba loại phở: Tái, tái chín, tái lăn, đều đồng giá 35.000 đồng. "Đặc sản" của quán là món tái lăn béo ngậy, thơm mùi tỏi.
Quán bún chả 23 năm nằm nép trong ngõ chật, ngày bán 500 suất
Suốt 23 năm qua, quán bún chả của gia đình bà Đào Thị Mai Lan vẫn nằm "khép nép" trong con ngõ 74 Hàng Quạt (Hà Nội). Ngõ hẹp, cửa ngõ chưa rộng tới 1m, phía trong là gần chục ngôi nhà "thò thụt".
Để đủ chỗ ngồi cho trăm thực khách mỗi buổi trưa, gia đình bà phải đặt bàn ghế san sát ở dọc con ngõ, vào tới trong nhà.
Chị em bà Lan chỉ làm từ 400-500 suất. "Khách đông nhưng chúng tôi không đủ sức làm nhiều, chỉ giữ ở mức 400-500 suất mỗi ngày. Ngày lễ, Tết có khi chỉ mở bán 2 - 3 tiếng là hết sạch hàng", bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, bố mẹ bà vốn buôn bán thịt lợn lâu năm nên cả gia đình đều lựa thịt rất kĩ theo tiêu chí riêng.
6h sáng, sau khi trực tiếp chọn lọc và nhận thịt lợn tươi, bà Lan cùng cả gia đình, nhân viên rửa, thái, ướp gia vị, nặn chả viên. "Thịt ngày nào bán hết ngày đó chứ nếu thịt không tươi, chả không bao giờ ngon", bà Lan khẳng định.
Quán bún chả "núp" dưới chân cầu thang khu tập thể
"Quán bún chả cầu thang" nằm tại chân cầu thang của khu tập thể E3 Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách.
Quán nhỏ, chật hẹp, khách đang ăn có khi phải đứng dậy để nhường đường cho người dân ở khu tập thể di chuyển qua lại. Bất tiện là thế nhưng quán vẫn đông nghịt khách, có ngày bán được 600 suất.
Trước đây, quán bún do mẹ bà Đào Kim Anh (chủ quán hiện nay) bán ở phố Mai Hắc Đế, sau đó được chuyển đến bán ở phố Thái Thịnh. Quán bún chả là một trong những quán ăn đầu tiên mở bán trên con phố này.
Đứng từ xa, thực khách đã nhìn thấy khói nướng thịt và chả bốc lên nghi ngút, thơm nức mũi và hàng dài xe máy xếp trước quán. Trong mỗi suất bún chả có thịt, chả băm, cả hai loại này đều được tẩm ướp đậm đà, nướng cháy xém.
Chả miếng được làm từ thứ thịt ba chỉ đủ mỡ đủ nạc, đem ướp qua đêm cho ngấm gia vị rồi mới nướng. Chả viên thì làm từ thịt nạc vai lợn, băm hoặc xay nhuyễn, ướp cùng chút gia vị, hành băm rồi vo thành viên tròn, ấn thành miếng dẹt, đặt lên vỉ nướng.
Quán phở ở ban công nhà phố cổ chật hẹp
Để tìm đến quán phở bưng Hàng Trống nổi tiếng một thời, thực khách phải đi vào một con hẻm nhỏ, chỉ vừa đủ hai người tránh nhau, sâu chừng 6-7m. Sau đó, đi theo bảng chỉ dẫn lên tầng hai, qua một cầu thang xoắn ốc cũ kĩ.
Không gian của quán rộng chỉ chừng 10m2, nằm trên tầng hai của một dãy nhà phố cổ. Một góc phòng khách của gia đình chủ quán được tận dụng để kê 4-5 chiếc bàn nhựa.
Góc bếp với nồi nước dùng sôi sùng sục, rổ thịt và dụng cụ làm phở nằm ở góc ban công rộng 3-4m2. Khu ban công này không có đủ chỗ đặt bàn, thực khách tới ăn phở vẫn giữ thói quen như hồi ngồi vỉa hè - vừa bưng vừa gắp.
Điểm đặc trưng nhất của bát phở là phần nước dùng trong như "nước suối", vị thanh, thơm dịu, hoàn toàn không có mùi gây của thịt hay xương bò. Quán chỉ bán duy nhất loại phở chín. Những tảng bò được luộc chín tới, mỡ nạc đan xen, thái mỏng, ăn mềm.