Bi kịch của chó ngao triệu USD: Hết thời bị bỏ rơi thành... chó hoang
(Dân trí) - Vào thời kỳ đỉnh cao, một chú chó ngao Tây Tạng có thể được rao bán với giá lên tới 2 triệu USD/con. Nhưng khi đã "hết thời", hàng nghìn con bị bỏ rơi lại trở thành chó hoang gây nhiều nguy hiểm.
Loài chó biểu tượng của giàu sang quyền quý
Chó ngao Tây Tạng từng là thú cưng thời thượng, là biểu tượng cho những gia đình giàu có ở Trung Quốc. Vào thời kỳ sốt đỉnh cao, một con có thể bán với giá lên tới 2 triệu USD.
Những con chó đực có thể nặng tới gần 100 kg, có bờm rậm như sư tử. Chúng từng rất được săn đón vào triều đại nhà Nguyên (1271-1368) tại Trung Quốc.
Chó ngao vốn được coi là hậu duệ của giống chó lớn, được các bộ tộc du mục ở Trung Á và Tây Tạng lai giống. Chúng vốn rất trung thành và hung dữ, dùng để chăn cừu và săn bắt nhờ sở hữu thân hình to lớn.
Nhưng đến nay, thời thế lại khác. Hàng nghìn con trong số chúng bị bỏ rơi, sống lang thang ở cao nguyên Tây Tạng - nơi chúng lây lan dịch bệnh và tấn công bất cứ thứ gì trên đường đi.
Vào năm 2014, cô Yin Hang, một chuyên gia bảo tồn loài báo ở tỉnh Thanh Hải, đã thành lập trung tâm nghiên cứu bảo tồn ở Tây Tạng để chăm sóc loài chó ngao cũng như các động vật khác.
Theo nhà nghiên cứu Liu Mingyu đến từ trường Đại học Bắc Kinh, hiện khu vực cao nguyên Tây Tạng đang có khoảng 160.000 con chó hoang với 97 % là giống chó ngao Tây Tạng. Trong khi đó, số lượng báo tuyết trong vùng chỉ còn khoảng 2.000 con.
Theo kết quả của một báo cáo của Liu vào năm 2018, anh cho biết, loài chó ngao đang xuất hiện ở 17 % môi trường sống của báo tuyết.
"Những con chó ngao Tây Tạng đã trở thành loài động vật sinh sản nhiều nhất và nhanh nhất trong số những loài vật ăn thịt ở vùng cao nguyên này. Chúng sống thành bầy, là mối đe dọa nguy hiểm với những động vật hoang dã khác. Ngoài ra, chúng còn cạnh tranh nguồn thức ăn và không gian sống với loài khác", ông Liu khẳng định.
Người dân ở Tây Tạng cho biết, họ thường xuyên thấy loài chó này săn đuổi gấu, ăn thịt gia cầm, cáo, cừu và tấn công con người.
Năm 2018, một bé gái 8 tuổi ở Thanh Hải đã bị loài này tấn công tới chết. Trong khi đó, giới chức tại khu tự trị Tây Tạng cho biết, trung bình hàng tháng ghi nhận khoảng 180 vụ người dân bị thương.
Bên cạnh bệnh dại, loài chó này còn lây sang người một bệnh nhiễm trùng của loài sán dây khi tiếp xúc với nguồn thức ăn, nước uống.
Năm 2014, tờ Qianjiang Evening News đưa tin, một con chó ngao được bán giá gần 2 triệu USD. Nhưng đây cũng là lần bán giá đắt nhất từ trước tới nay.
"Chúng mang dòng máu sư tử và là những con thuần chủng quý hiếm, nên có giá rất cao", ông Zheng Gengyun, một người nuôi chó thời điểm đó cho hay.
Cơn sốt nhân giống loài này bùng phát vào những năm 1990 và lên tới đỉnh điểm vào khoảng giữa những năm 2010. Khi đó, ngày càng nhiều trung tâm nhân giống chó ngao được mở ra. Yin Hang cho biết, vào thời đó, đây là cách làm giàu nhanh chóng.
Tới khi hết thời thành chó hoang và bị bỏ rơi
Nhưng trên thực tế, không nhiều người giàu lên từ loài chó này. Sau khi trào lưu nuôi chó ngao Tây Tạng làm thú cưng bị thoái trào, nguồn cung cấp chó dư thừa. Vì không đủ khả năng nuôi dưỡng, các trại nhân giống đóng cửa, trong khi đó, chó bị bỏ rơi.
"Người Tây Tạng ở địa phương không muốn ăn thịt các con vật do niềm tin tôn giáo của họ. Còn nếu những người nuôi chó không theo tôn giáo, họ có thể bán chúng", cô Yin Hang cho hay.
Theo số liệu từ CGTN, vào năm 2015, 2.000 trong số 3.000 trung tâm nhân giống chó ngao ở Tây Tạng đã đóng cửa vì giá lao dốc. Giá một con từ 2 triệu USD xuống dưới 1.500 USD.
Cô Bowie Leung, một nhân viên đến từ câu lạc bộ chó ngao Tây Tạng ở Hong Kong (Trung Quốc), cho biết, từng nhiều lần cứu những chú chó bị bỏ rơi trong thành phố.
"Hong Kong thiếu không gian. Nhiều chủ nhân thiếu kiên nhẫn, thời gian và tiền bạc để chăm sóc chó ngao. Nếu chúng bị bệnh, hóa đơn thanh toán đắt hơn nhiều lần so với những giống chó nhỏ hơn. Nếu chủ không đưa đi dạo, chúng có thể trở nên hoang dã khó kiểm soát", cô Leung nói.
Cũng vì những lý do trên, cô Leung đưa ra lời khuyên để người dân nên cân nhắc kỹ trước khi mua một con chó ngao Tây Tạng làm thú cưng.
"Chúng rất dễ thương khi còn nhỏ. Nhưng rồi sẽ thành "quái vật" khi lớn hơn. Và người chủ cần xem xét liệu hàng xóm xung quanh có chấp nhận hay không, có đủ sức dắt chúng đi chơi mỗi ngày không", cô Leung bộc bạch.