Bi kịch của chàng trai bị mắc kẹt chổng ngược 28 tiếng trong hang chật hẹp
(Dân trí) - Cái chết của du khách nam mê mạo hiểm người Mỹ và cuộc giải cứu "có một không hai" đã đi vào lịch sử, trở thành nỗi ám ảnh suốt cả chục năm qua.
Cái chết bi thảm của nam du khách mê hang động
Từ nhỏ, John Edward Jones mang trong mình niềm đam mê mạo hiểm, thích chinh phục. Khi 4 tuổi, John dành nhiều thời gian cùng cha và em trai khám phá các hang động. Với cơ thể dẻo dai, anh đã chinh phục được khá nhiều hang sâu, chật hẹp.
Khi lớn lên, John đôi khi vẫn tiếp tục thử thách bản thân bằng cách chinh phục thêm nhiều hang sâu mới. Năm 2009, anh mới 26 tuổi, đang là một nghiên cứu sinh ngành y, có vợ và một đứa con kháu khỉnh mới một tuổi.
Tối ngày 24/11/2009, anh trở về nhà vài ngày trước lễ Tạ Ơn và cùng nhóm bạn tới hang Nutty Putty thuộc bang Utah, Mỹ, để thám hiểm. Đây là hang động nằm ở phía tây nam của hồ Utah. Nhà thám hiểm Dale Green là người đầu tiên khám phá hang này vào năm 1960.
Sở dĩ nhà thám hiểm Dale đặt cho hang cái tên Nutty Putty bởi không gian bên trong cực kỳ nhỏ hẹp, cấu tạo chủ yếu bằng đất sét. Nhưng điều này càng thôi thúc John tới chinh phục.
John cho biết đã lâu chưa từng thám hiểm các hang động nên muốn tranh thủ kỳ nghỉ lần này để trải nghiệm. Sau đó, anh muốn dành toàn bộ thời gian cho ngành y và gia đình.
Nhưng chẳng ai ngờ, chính đam mê này đã cướp đi sinh mạng khi anh còn rất trẻ.
28 tiếng tuyệt vọng của nhà thám hiểm trẻ tuổi
John cùng nhóm bạn tưởng rằng, chinh phục hang động lần này sẽ trải nghiệm để kết nối mọi người. Nhưng họ không biết, Nutty Putty là cái bẫy chết người.
Sau khi bắt đầu thám hiểm khoảng 1 tiếng, John bò vào một đoạn hang có tên Birth Canal. Để vượt qua hang này, anh phải nằm bẹp xuống đất và bò thận trọng. Nhưng do nhầm lẫn, anh đã lạc vào một khúc hang có kích thước quá hẹp và sâu so với cơ thể. Chỉ vài phút vào hang, anh nhận ra mình mắc sai lầm nghiêm trọng.
Khi đó, John gần như bị mắc kẹt, không còn chỗ để quay đầu lại hay luồn lách trở lại đường cũ. Thậm chí, một cánh tay của John cũng bị kẹt dưới người. Điều này khiến phổi của John không thể đủ không khí trong không gian hẹp.
Josh, em trai John, là người đầu tiên phát hiện ra tình thế hiểm nghèo. Anh nhìn thấy đôi chân của John thò ra ngoài và cố kéo nhưng càng khiến John bị trượt sâu vào trong. Khi đó, John mắc kẹt ở độ sâu khoảng 30m so với mặt đất và khoảng 120m trong hang Nutty Putty.
Cuộc giải cứu phi thường
Dù cậu em Josh nhanh chóng bò ra khỏi hang và nhờ đội cứu hộ tới hỗ trợ, nhưng việc đưa người và thiết bị tới vị trí sâu như vậy mất cả tiếng đồng hồ.
Sau nhiều giờ lắp đặt hệ thống dây kéo ròng rọc và sự tham gia của hơn 100 nhân viên cứu hộ, có thời điểm họ kéo được John ra được vài mét, đủ cung cấp cho anh thức ăn, nước uống để cầm cự.
Nhưng chỉ được thời gian ngắn, hệ thống dây kéo cắm vào hang có cấu tạo bằng đất sét không chắc chắn nên bị nới lỏng, John lại tụt vào sâu hơn. Cơ thể to lớn của anh gần như chiếm trọn không gian trong hang. Anh bị rơi vào tư thế treo dốc đầu xuống nên cả đội không có cách nào giải cứu.
Cuộc chạy đua với thời gian rơi vào tuyệt vọng khi ở tư thế chổng ngược, John càng kiệt quệ sức lực. Cuối cùng, John được tuyên bố tử vong vì ngưng tim vào nửa đêm ngày 25/11/2009. Lực lượng cứu hộ nỗ lực suốt 28 giờ giải cứu nhưng vô vọng.
Hang động đóng cửa vĩnh viễn
Nutty Putty từng là hang động nổi tiếng thu hút rất đông du khách tới chiêm ngưỡng. Vào thời kỳ hoàng kim, nơi này từng đón 5.000 du khách tới khám phá ở khu vực bên ngoài.
Nhưng sau cái chết bi thảm của John Edward Jones, chính quyền Utah đã quyết định đóng cửa nơi này. Thi thể của nạn nhân xấu số nằm lại vĩnh viễn trong hang.