Bắt sống cặp "thủy quái" sau khi rút cạn hồ hơn 200.000m3 nước ở Trung Quốc

Huy Hoàng

(Dân trí) - Cặp "thủy quái" trở thành tâm điểm của cuộc săn lùng ráo riết kéo dài hàng tháng trời. Cuối cùng, giới chức tỉnh Hà Nam, miền trung của Trung Quốc phải rút cạn nước hồ mới tìm thấy chúng.

Rút cạn hồ nước để truy bắt "thủy quái"

Kể từ giữa tháng 7, một người dân ở thành phố Nhữ Châu thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đã phát hiện thấy sinh vật lạ. Nó được truyền thông địa phương gọi là "thủy quái" với hàm răng sắc như dao cạo, có khả năng dài tới 3m.

Sinh vật trở thành tâm điểm của cuộc săn lùng ráo riết kéo dài hàng tháng trời. Nó được xác định đang ở trong hồ Yunchan, một hồ nước nhân tạo thuộc công viên trung tâm của thành phố Nhữ Châu.

Việc săn bắt "thủy quái" gặp nhiều thách thức vì xác định vị trí trong hồ rộng lớn là điều không đơn giản, xung quanh là thực vật thủy sinh gần đáy. Trước đó, các biện pháp như dùng lưới đánh bắt và dùng thiết bị định vị sonar đều không thành công. Suốt quá trình truy tìm ráo riết sinh vật đã thu hút hàng triệu người theo dõi.

Bắt sống cặp thủy quái sau khi rút cạn hồ hơn 200.000m3 nước ở Trung Quốc - 1
Cá sấu hỏa tiễn còn được ví như "hóa thạch sống" vì có thể bắt nguồn từ hơn 100 triệu năm trước (Ảnh: Huanqiu).

Đỉnh điểm là lúc giới chức địa phương quyết định rút hết nước trong hồ để "tóm sống" bằng được. Vào cuối tuần trước, các công nhân ở thành phố Nhữ Châu đã rút cạn hồ hơn 200.000m3 nước để truy tìm. Kết quả họ bắt được cặp cá sấu hỏa tiễn gồm một con đực dài 70cm và một con cái dài 90cm.

Tuy nhiên, chi phí để hút cạn hơn 200.000m3 nước rất cao đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này. Nhiều người đặt câu hỏi về giá trị của việc hút sạch nước hồ chỉ để tìm con cá. 

Giờ đây, một số khu vực khác ở Trung Quốc bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, đã có phản ánh về sự tồn tại của loài cá vốn ít được biết tới này. Nhiều người bày tỏ lo ngại về sự xâm lấn của chúng ảnh hưởng tới hệ sinh thái địa phương.

Tại thành phố Côn Minh thủ phủ của tỉnh Vân Nam thuộc phía tây nam, ngày 27/8, các công nhân đã tháo nước trong một cái ao ở cộng đồng dân cư để tìm bắt một con cá sấu hỏa tiễn khác. Đài truyền hình trung ương CCTV đưa tin, tuy bắt được con vật, nhưng các loài cá nhỏ hơn và nhóm động vật giáp xác sống trong ao cũng biến mất.

Tờ Jingjiang Daily đưa tin ngày 18/8 về vụ một bé trai ở tỉnh Giang Tô bị con cá sấu hỏa tiễn khác cắn vào tay. Sinh vật sống trong cái ao tại khu dân cư. Trong khi đó ở Bắc Kinh, người dân phản ánh bắt gặp một sinh vật tương tự có kích thước dài khoảng 50cm.

Một số địa điểm khác cũng thông báo về việc cư dân nhìn thấy cá sấu hỏa tiễn, gồm Hồ Nam, Quảng Tây, Ninh Hạ, Thanh Hải và Sơn Đông.

Những nguy hiểm tiềm ẩn

Các chuyên gia cho biết, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loài không phải bản địa chủ yếu do người mua chúng về làm cảnh, rồi thả vào môi trường tự nhiên.

"Những loài động vật xâm lấn phổ biến nhất chúng tôi phát hiện bị thả ra môi trường bao gồm cả cá sấu hỏa tiễn", ông Li, chuyên gia đứng đầu một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã có trụ sở tại thành phố Bắc Kinh, chia sẻ với tờ Beijing Daily.

Bắt sống cặp thủy quái sau khi rút cạn hồ hơn 200.000m3 nước ở Trung Quốc - 2
Cá sấu hỏa tiễn nằm trong nhóm những loài xâm lấn ảnh hưởng tới hệ sinh thái của Trung Quốc (Ảnh: News).

Loài cá này có thể được mua với giá chỉ vài chục nhân dân tệ trên một số trang web mua sắm trực tuyến, bao gồm cả các trang buôn bán lớn như 1688. Ông Gu Dangen, một chuyên gia về hệ sinh thái thủy sinh đến từ Viện nghiên cứu thủy sản sông Châu Giang, cho biết, nếu loài này được thả vào sông hồ ngoài tự nhiên, chúng có thể ăn mọi thứ và trở thành mối đe dọa lớn với hệ sinh thái địa phương.  

Là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thường được tìm thấy ở miền nam Mỹ và Mexico, cá sấu hỏa tiễn có hình dáng giống quả ngư lôi, được biết tới như "hóa thạch sống" có thể tồn tại hơn 100 triệu năm trước.

Dù báo cáo về các vụ tấn công con người khá hiếm, nhưng chúng gây ra mối đe dọa thụ động vì trứng loài này rất độc nếu không may ăn phải. Giới chức Trung Quốc đã liệt kê cá sấu hỏa tiễn nằm trong nhóm 10 sinh vật xâm lấn đe dọa hệ sinh thái của nước này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm