Quảng Nam:

Bảo tồn di sản văn hóa gắn liền với bảo tồn bản sắc dân tộc

(Dân trí) - “Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là một trong những hoạt động luôn gắn liền với việc bảo tồn bản sắc dân tộc, tạo dựng sự phát triển bền vững tương lai của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, từ những mối liên kết đặc thù của quá khứ và hiện tại”.

Đây là phát biểu của ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam tại “Hội thảo khoa học quốc tế vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn” vào ngày 8/9 tại Hội An.

Hội thảo về bảo tồn di sản Mỹ Sơn và Hội An

Hội thảo khoa học quốc tế vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn

Ông Lê Văn Thanh cho rằng, trong tiến trình lịch sử, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa xuất hiện ngay từ khi con người có ý thức về sáng tạo văn hóa trên cơ sở chinh phục, cải tạo và khai thác thiên nhiên để phục vụ cho sự phát triển của con người.

Do đó, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều coi bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản như một trong những trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mình. Tuy nhiên, các di sản văn hóa thường xuyên đứng trước những thách thức và nguy cơ bị hủy hoại do những tác động của thiên nhiên và con người.

Hội thảo về bảo tồn di sản Mỹ Sơn và Hội An

Múa Chăm ở Mỹ Sơn

Đặc biệt là các hành động ứng xử của con người, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa và sự phát triển du lịch thiếu bền vững đã và đang làm ô nhiễm và hủy hoại môi trường, không gian tồn tại của di sản là những nguy cơ mang tính toàn cầu và dẫn đến những hậu quả không lường, đe dọa sự tồn vong của không ít di sản văn hóa của các quốc gia, dân tộc.

Do những đặc thù về địa lý nhân văn và địa lý chính trị, từ lâu nay, việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm thực hiện ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, được đông đảo các tầng lớp cộng đồng nhân dân tự nguyện tham gia một cách tích cực bằng nhiều hình thức sáng tạo phong phú.

Hội thảo về bảo tồn di sản Mỹ Sơn và Hội An

Đô thị cổ Hội An

“Có thể nói trong tiến trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam, việc bảo tồn di sản được gắn liền với xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”, ông Lê Văn Thanh phát biểu.

Từ nhiều năm nay, việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã và đang được cộng đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam hết sức coi trọng. Tỉnh đã có nhiều chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về các mặt chính sách, tổ chức và kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy các di sản; đồng thời có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân vào sự nghiệp này.

Tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực thực hiện những trách nhiệm về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Michael Croft - đại diện UNESCO tại Việt Nam đã có lời khen và chúc mừng tỉnh Quảng Nam, bao gồm cả những người quản lý di sản Hội An và Mỹ Sơn đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của 2 di sản này.

Ông cho rằng, khi một tài sản di sản thế giới, đặc biệt là một tổ hợp di sản sống của Hội An được mở ra để sử dụng công cộng bao gồm du lịch văn hóa, người dân địa phương cũng được hưởng lợi bởi sự phát triển du lịch. Và trong một số trường hợp nhất định, họ thậm chí có thể tìm thấy sự tồn tại hàng ngày của mình được quy định bởi các biện pháp bảo tồn.

Hội thảo cũng đã nghe hàng chục ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý đối với 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, đồng thời đưa các các biện pháp nhằm đưa các di sản này đến gần hơn với tất cả mọi người.

Các đại biểu đã trình bày các tham luận như: Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn 20 năm 1999-2019; Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An trong 20 năm 1999-2019; Công ước của UNESCO và pháp luật Việt Nam - Khung pháp lý cho việc huy động nguồn lực cộng đồng trong bảo tồn Di sản văn hóa…

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm