Bạch tuộc có nọc độc mạnh gấp 10.000 lần xyanua, đủ giết chết cả chục người

Huy Hoàng

(Dân trí) - Có vẻ ngoài nhỏ bé nhưng bạch tuộc đốm xanh lại có nọc cực độc, mạnh gấp 10.000 lần độc chất xyanua và có thể giết chết người chỉ bằng vết cắn nhỏ.

Bạch tuộc đốm xanh là một sinh vật đáng chú ý. Sống ở ngoài khơi bờ biển Kiama, New South Wales, Australia, chúng dễ dàng nhận biết nhờ lớp da màu vàng và những đốm màu xanh biển đặc trưng. Màu sắc này có khả năng thay đổi đột ngột khi bị đe dọa.

Loài bạch tuộc có nọc độc khủng khiếp, giết chết người chỉ bằng vết cắn

Được công nhận là một trong những sinh vật biển độc nhất thế giới, dù chỉ có kích thước nhỏ từ 12cm tới 20cm và bản tính "khá lành", nhưng bạch tuộc đốm xanh trở thành "hung thần" với con người nếu bị khiêu khích hoặc chạm phải. Nọc độc của chúng chứa chất độc thần kinh tetrodotoxin cực mạnh.

Theo các chuyên gia, độc tố này có thể gây bại liệt và tử vong với con người. Chỉ cần 25g cũng đủ khiến 10 người trưởng thành tử vong. Nọc độc của chúng chủ yếu nằm trong nước bọt và cũng ở các phần mềm khác trên thân.

Bạch tuộc có nọc độc mạnh gấp 10.000 lần xyanua, đủ giết chết cả chục người - 1
Bạch tuộc chuyển sang đốm xanh là lúc chúng thấy bị kích động (Ảnh cắt từ clip).

Giáo sư Culum Brown, đến từ Đại học Macquarie, cho biết, dù kích thước nhỏ chỉ tương đương với quả bóng bàn nhưng vết cắn của chúng có thể xuyên qua da người. Với nọc độc cực mạnh sẽ khiến nạn nhân buồn nôn, suy tim, tê liệt toàn thân, ngừng thở, mù lòa, thậm chí tử vong trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời.

Ban ngày, bạch tuộc đốm xanh ẩn nấp trong khe nứt hoặc dưới tảng đá. Nhưng khi đêm về, loài sinh vật thân mềm bé nhỏ này bắt đầu đi săn. Nó sớm hạ gục những con cua và cá nhỏ bằng nọc độc gây tê liệt, tiêm trực tiếp vào cơ thể con mồi. Khi đối phương bị tê cứng, chúng xẻ thịt con mồi bằng chiếc mỏ chắc khỏe rồi bắt đầu bữa ăn.

Bạch tuộc có nọc độc mạnh gấp 10.000 lần xyanua, đủ giết chết cả chục người - 2
Nọc độc của loài này đủ khiến cả chục người tử vong cùng lúc (Ảnh: Discovery).

Khi nghỉ ngơi, sinh vật này chuyển sang màu vàng với đốm nâu đậm. Nhưng lúc bị kích động, những đốm này chuyển sang màu xanh lam sáng. Sự đổi màu bắt nguồn từ các túi co giãn chứa đầy mực nằm ngay dưới da. Các túi này giãn ra khi bạch tuộc bị đe dọa, giải phóng sắc tố xanh trên bề mặt. Khi hết bị kích thích, những túi này co lại và sắc tố biến mất.

Các chuyên gia cho biết, phần lớn những vụ loài bạch tuộc này tấn công con người do chúng cảm thấy bị đe dọa. Nhiều du khách tắm biển thậm chí còn cầm nắm và dìm chúng xuống biển. Tới lúc chúng đổi màu thì đã quá muộn. Mỏ nhọn như mỏ vẹt của bạch tuộc có thể dễ dàng chọc thủng qua da và cơ bắp bên dưới. Nhát cắn không gây đau đớn, nhưng nọc độc mạnh hơn độc chất xyanua tới 10.000 lần.

Bạch tuộc có nọc độc mạnh gấp 10.000 lần xyanua, đủ giết chết cả chục người - 3

Vết cắn không gây đau đớn nhưng nọc độc cực mạnh khiến con mồi bị tê liệt (Ảnh cắt từ clip).

Hiện nay, những người đi biển ở Australia tiếp xúc với bạch tuộc đốm xanh ngày một nhiều. Nhà hải dương học Jenny Hofmeister cho biết: "Giống như hầu hết các loài động vật, chúng chỉ tấn công người khi thấy bị nguy hiểm. Hầu hết người bị cắn có sở thích thu thập những vỏ ốc rỗng. Đó là nơi chúng có thể trốn ở bên trong. Vậy nên cần tránh không nhặt những vỏ rỗng ở nơi xuất hiện loài này".