Bạc Liêu: Cần phát huy Đờn ca tài tử trong hoạt động du lịch
(Dân trí) - “Việc phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử trong hoạt động du lịch là cần thiết, sẽ làm phong phú thêm các loại hình, dịch vụ trong sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao chất lượng, tạo sự hấp dẫn, điểm nhấn đối với du khách khi đến Bạc Liêu”, bà Lê Thị Ái Nam- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh.
Xây dựng phong cách du lịch hiếu khách…
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có tiềm năng về phát triển du lịch. Những năm qua, nhiều dự án du lịch đầu tư hoàn thành góp phần làm đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch; số lượng du khách tăng nhanh, dịch vụ du lịch phát triển khá, doanh thu tăng trên 20%/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Ái Nam- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, du lịch của tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng như: Hạ tầng du lịch còn yếu kém, chưa có nhiều sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, đặc trưng và chất lượng cao để thu hút du khách,…
“Khách du lịch đến Bạc Liêu hàng năm đều tăng nhưng lượng khách sử dụng dịch vụ lưu trú, mua sắm tại tỉnh còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch chưa đạt yêu cầu; cơ chế, chính sách phát triển du lịch chưa thật sự thu hút các nhà đầu tư,…”, bà Lê Thị Ái Nam trăn trở.
Từ những khó khăn trên, bà Lê Thị Ái Nam cho biết, mục tiêu sắp tới là đưa du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh để du khách biết và đến với Bạc Liêu nhiều hơn; tăng cường mời gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư vào các dự án như: Khu du lịch Tắc Sậy, tuyến du lịch Bạc Liêu – Côn Đảo, các trạm dừng chân, hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp, du lịch sinh thái,…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng khẳng định, tỉnh sẽ đẩy mạnh kết nối tour, tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố, cũng như tăng cường tuyên truyền, giáo dục và xây dựng phong cách làm du lịch của người Bạc Liêu là “Hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”.
Đa dạng hóa các loại hình du lịch
Theo bà Lê Thị Ái Nam, tỉnh xác định đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, lễ hội và du lịch tâm linh…, với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với Lễ hội Dạ cổ hoài lang, giai thoại Công tử Bạc Liêu, điện gió gắn với sinh thái rừng, biển...;
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ phát huy các điểm du lịch tiêu biểu như: Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Hùng Vương, Vườn chim Bạc Liêu, các di sản lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh,...
Nghe đờn ca tài tử.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng cho rằng, việc phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử trong hoạt động du lịch là cần thiết, sẽ làm phong phú thêm các loại hình, dịch vụ trong sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao chất lượng, tạo sự hấp dẫn đối với du khách.
“Bạc Liêu là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, nên việc đẩy mạnh Đờn ca tài tử trong hoạt động du lịch vừa có ý nghĩa bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị của loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, vừa góp phần quảng bá nét đặc trưng của văn hóa, con người Bạc Liêu với bạn bè trong nước và quốc tế”, bà Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh.
Huỳnh Hải