“Ỏm cọ” hồn quê, hương núi đất trung du…
(Dân trí) - Những cánh rừng cọ vươn cao, xanh ngút tầm mắt đã trở thành một nét cảnh quan đặc trưng của vùng đất trung du. Cây cọ và cả món ăn từ cọ đã gắn với người dân mảnh đất này, trở thành một biểu tượng bền chặt, thiêng liêng…
Vào giữa tháng 7 âm lịch là những cây cọ trong rừng bắt đầu ra hoa, kết trái. Rồi đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch là khi những trái cọ bắt đầu chín, màu vỏ xanh đậm rồi ngả sáng ra như màu xanh da trời.
Lúc này chính là mùa thu hoạch cọ rừng bắt đầu. Cọ chín sau khi hái về, ngâm trong nước ấm nóng khoảng 50 - 60 độ, khoảng 10 phút sau là chín, cùi dầy vàng ươm, thơm một mùi hương thật khó tả, dính vàng cả mười đầu ngón tay.
Lúc này cũng là lúc bọn trẻ chăn trâu nơi đây mang những cù lèo miệt mài đi hái cọ trên những quả đồi xanh ngút ngàn.
Quả cọ có vị bùi, ngậy là món ăn hấp dẫn với nhiều khách du lịch mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này. Màu xanh mướt của những lá cọ, mùi vị của quả cọ đã tạo ra món quà rất riêng mang đậm hồn quê hương núi giành cho du khách mỗi khi dừng chân tại mảnh đất trung du.
Quả cọ được hái về rửa sạch bụi đất, ăn sống có vị chát chát tuy nhiên để làm cho nó mềm và bớt chát lại có vị bùi, ngọt, béo ngậy và thơm đặc, người ta đem làm “ỏm”.
Cách làm “ỏm” khá cầu kỳ đòi hỏi người làm phải kỳ công, người ta bảo; với “ỏm” không phải ai cũng làm được. “Ỏm” phải chính do bàn tay người dân trung du làm ra mới ngon.
Quả cọ sau khi rửa sạch đem xóc lẫn với những mảnh cật nứa già cho bong vỏ xanh cho vào nồi lưng lưng nước, đặt lên bếp, đun nhỏ lửa. Nước “ỏm” quả cọ phải được đun bằng nước giếng khơi hay nước nguồn. Khi “ỏm” cọ phải chú ý thời gian cho phù hợp với độ sôi của nước, nếu không khéo cọ sẽ bị tóp lại, cứng chát không ăn được.
Thế nên “ỏm” được một mẻ cọ ngon là phải khéo léo, kì công. Quả cọ khi đã “ỏm” có màu nâu sậm, lúc ỏm xong váng nổi như váng mỡ bám quanh nồi, bóp vào mà quả thấy mềm, cho màu vàng ươm đườm đượm là ngon nhất.
“Cọ ỏm” chấm với nước mắm là ngon nhất thế nhưng tùy thuộc khẩu vị từng người có thể thay bằng bột canh hay tương ớt. Quả cọ ngoài làm “ỏm” thì còn có thể làm dưa.
Khi đến mùa cọ các bà các chị ở đây còn chọn những quả cùi dày, béo rồi mang cạo sạch vỏ đem làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon.
Chính vì thế, từ lâu du khách đến với mảnh đất trung du không những được ngắm nhìn những cánh rừng cọ vươn cao, xanh ngút tầm mắt du khách còn được thưởng thức món ăn độc đáo “có một, không hai” này.
Đối với những người con xa quê, cọ đã gắn liền vào ký ức tuổi thơ theo suốt cuộc đời. Với họ, dù xa quê hương rất lâu nhưng mỗi lần nhắc đến cọ thì không ai không nhớ đến nao lòng những chiều thả trâu trên đồi cọ, lúc nhọ mặt người đánh trâu về được hít hà món xôi cọ thơm phức, ấm nồng tình thương của người bà, người mẹ thuần hậu của núi đồi trung du…
Song An