Có 352 chương trình liên kết đào tạo cho du học sinh trở về nước lựa chọn

Lệ Thu

(Dân trí) - Hiện cả nước có 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, do vậy các du học sinh khi quay về Việt Nam trong mùa dịch có nhiều cơ hội và lựa chọn.

Thông tin được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập”.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay, hiện cả nước có 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, ở bậc đại học có 195 chương trình, thạc sĩ có 150 chương trình và tiến sĩ có 7 chương trình.

Kể từ khi Nghị định 73/2012 có hiệu lực, hàng năm Việt Nam phê duyệt khoảng 40 chương trình liên kết đào tạo quốc tế mới, đồng thời xem xét gia hạn điều chỉnh 10 - 20 chương trình và 30 chương trình ngừng tuyển sinh.

Có 352 chương trình liên kết đào tạo cho du học sinh trở về nước lựa chọn - 1

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

Các chương trình liên kết đào tạo đã dừng hoạt động do nguyên nhân chủ yếu là thay đổi chuyên ngành và thay đổi trường đối tác theo hướng ngày càng phù hợp và nâng cao chất lượng hơn.

Ngoài ra một số chương trình liên kết đào tạo đã hết thời hạn được cấp phép hoặc phải cạnh tranh lành mạnh về chất lượng với các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài khác. Một số chương trình phải dừng tuyển sinh vì không có người học.

Do đó, các du học sinh khi quay về Việt Nam có nhiều cơ hội, lựa chọn các chương trình liên kết phù hợp và chất lượng. Mặc khác, môi trường học tập của các trường đại học Việt Nam ngày càng có nét tương đồng với các trường trên thế giới (cởi mở, thông thoáng, mang tính quốc tế cao).

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, việc các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hợp tác với trường xếp hạng cao trên thế giới còn hạn chế. Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, đúng là trong thời gian trước đây, Việt Nam có ít chương trình liên kết hợp tác với trường xếp hạng cao trên thế giới.

Có hai lý do chủ yếu, một là trường xếp hạng cao thường đặt ra yêu cầu đối với đối tác khắt khe. Thứ 2, chương trình liên kết với trường quốc tế xếp hạng cao thường có mức học phí cao, yêu cầu chứng chỉ đầu vào (chứng chỉ tiếng Anh, bài phỏng vấn, bài thi năng lực quốc tế cao) nên một vài thập kỷ trước việc hợp tác với trường top trên thế giới còn tương đối khó khăn với trường Việt Nam.

Cũng theo bà Thủy, cùng với sự phát triển chất lượng của các đại học Việt Nam, tình hình đã cải thiện rõ rệt. Cách đây 5 năm, tỷ lệ giảng viên trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam có trình độ tiến sỹ chỉ đạt khoảng 19,5%, thì đến nay tỷ lệ này đã đạt 28,8%.

Nhiều trường đại học lớn, có thương hiệu ở nước ngoài đã đến đầu tư trong giáo dục đại học tại Việt Nam và các chương trình liên kết đào tạo này cũng đảm bảo đạt các chuẩn quốc tế.

Mặc khác, khi năng lực sinh viên, trình độ kỹ năng của giảng viên, chất lượng của các trường đại học Việt Nam càng tăng cao thì chúng ta có quyền với các đối tác khắt khe.

Hiếm có chuyên ngành đào tạo ở nước ngoài mà chưa có mặt tại Việt Nam

Tại toạ đàm, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giải đáp một số trăn trở của bạn trẻ, du học sinh.

Ông Thảo cho biết, hiện nay xác suất một chuyên ngành đào tạo ở một trường Đại học nước ngoài mà chưa có tại Việt Nam là rất thấp.

"Với hơn 200 trường đại học ở Việt Nam, các em du học sinh sẽ không khó khăn trong việc tìm kiếm một chương trình đào tạo phù hợp”, ông chia sẻ.

Có 352 chương trình liên kết đào tạo cho du học sinh trở về nước lựa chọn - 2

Có 352 chương trình liên kết đào tạo cho du học sinh trở về nước lựa chọn.

Với câu hỏi, các du học sinh về nước có nguyện vọng học tập ở các chương trình liên kết quốc tế phải làm thủ tục ra sao, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ giải đáp thắc mắc của sinh viên, hỗ trợ kiểm tra thông tin về trường nước ngoài có được công nhận không, hệ thống đào tạo tín chỉ có tương đồng không, thông tin các chương trình đào tạo liên kết được đăng tải công khai minh bạch hay không nên các du học sinh hoàn toàn yên tâm.

“Chúng tôi có điều khoản hướng dẫn các em du học sinh trở về nước. Điều 10 – khoản 3 Thông tư 10/2014/TT-BGDĐT về tiếp nhận du học sinh trở về nước quy định rõ bộ hồ sơ cần chuẩn bị (đơn xin chuyển trường, bản sao bản dịch, kết quả học tập, ý các cơ quan liên quan).

Do đó, các em yên tâm thủ tục nhanh gọn và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ hết mức”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.