Xưởng sản xuất "vàng đen" quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn

Toàn Vũ

(Dân trí) - Trải qua quy trình chế biến kì công kéo dài 45-50 ngày, tỏi trắng Lý Sơn trở thành "vàng đen" hút khách, có giá lên tới 3,5-5 triệu đồng/kg.

Đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngoài chiêm ngưỡng biển xanh, cát trắng, thưởng thức hải sản tươi ngon, du khách khó lòng bỏ qua đặc sản tỏi đen - một sản phẩm được chế biến từ loại tỏi trắng được trồng ngay trên đảo.

Tỏi đen hút khách bởi hương vị độc đáo với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. 

Tuy nhiên quy trình sản xuất tỏi đen phức tạp, kì công. Thời điểm này, giá tỏi đen tại Lý Sơn từ 850.000 đến hơn một triệu đồng mỗi kg. Riêng loại tỏi đen một tép (hay còn gọi là tỏi đen cô đơn, tỏi đen mồ côi), mức giá lên tới 3,5-5 triệu đồng.

Loại đặc sản này hiếm tới mức, đôi khi, du khách có tiền cũng khó mua được.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 1

Tỏi đen là tỏi được lên men chậm, dưới sự kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ và độ ẩm. Thời gian chế biến tỏi đen kéo dài 45-50 ngày

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 2

Chị Thanh Thúy (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) là chủ một cơ sở làm tỏi đen lớn ở đảo Lý Sơn. Mỗi năm, xưởng của chị sản xuất khoảng 3 tấn tỏi đen.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 3

Theo chị Thúy, tỏi đen phải được làm từ chính loại tỏi trắng trồng trên đảo mới có chất lượng tốt nhất. "Chúng tôi lựa chọn những củ tỏi tươi ngon, sau đó mang về rửa sạch, phơi khô, phân loại và sơ chế kĩ càng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ", chị Thúy chia sẻ.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 4

Tỏi sau khi thu mua về xưởng sẽ được rửa sạch, phơi khô. Toàn bộ phần cuống, rễ được sơ chế cắt bỏ.

Xưởng "đào vàng đen" quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 5

Từ nhỏ, chị Thúy đã học gia đình cách làm tỏi đen để sử dụng trong nhà, dành tặng họ hàng. Sau này vợ chồng chị Thúy chế biến tỏi đen để bán cho khách du lịch, kiếm thêm thu nhập. "Hơn 10 năm trước, người nông dân ở đảo như chúng tôi đều làm tỏi đen thủ công. Mỗi năm, tôi chỉ làm thành công 20 - 30kg", chị Thúy cho biết.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 6

Vài năm trở lại đây, để có sản lượng tỏi đen lớn và đảm bảo chất lượng, vợ chồng chị Thúy đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại lên tới hơn nửa tỷ đồng. Tỏi sau khi làm sạch sẽ được đóng hộp, đưa vào hệ thống máy ủ lên men.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 7

Tỏi đen sẽ được ủ trong máy 45-50 ngày với điều kiện độ ẩm, nhiệt độ phù hợp. "Cứ 5-10 ngày, chúng tôi phải kiểm tra để biết được độ ẩm của tỏi. Nếu ẩm hay quá khô đều phải xử lý ngay, tránh để mẻ tỏi thất bại. Công đoạn kiểm tra này đòi hỏi người làm phải có chuyên môn, kinh nghiệm. Mỗi củ tỏi với người nông dân Lý Sơn chúng tôi mà nói đều là vật phẩm trời cho, quý lắm", chị Thúy cho biết.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 8

Tỏi đen Lý Sơn hiện nay đang có 3 loại: Loại tỏi đen nhiều nhánh, tỏi đen ba nhánh và tỏi đen cô đơn Lý Sơn. Trong đó loại tỏi cô đơn thuộc dòng quý và hiếm (một sào tỏi chỉ có thể thu được vài kg tỏi cô đơn). "Vì chỉ có một nhánh duy nhất nên tất cả các dưỡng chất đều được tập trung hết vào đó", chị Thúy giải thích.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 9

Từ hơn 3kg tỏi cô đơn trắng mới có thể chế biến thành công ra 1kg tỏi cô đơn đen. Đó chính là lí do khiến mặt hàng này đắt đỏ, nhiều du khách phải đặt hàng sớm mới mua được.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 10

Tỏi đen Lý Sơn bên ngoài có màu nâu hoặc nâu sẫm. Các tép tỏi nhỏ dần từ phía ngoài vào trong. "Các loại tỏi khác có thể không có lớp tép phía trong cùng", chị Thúy cho biết. Tép tỏi đen thơm, dẻo, có vị ngọt tự nhiên, không còn mùi hăng nên rất dễ ăn.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 11

Tỏi đen sau khi ra lò được đóng gói 200gr hoặc 500gr để du khách dễ dàng mua làm quà, vận chuyển đi xa.

Xưởng sản xuất vàng đen quý hiếm, có tiền cũng khó mua ở Lý Sơn - 12

Ngoài tỏi đen, cơ sở của chị Thúy cũng sơ chế, làm sạch, sấy khô tỏi trắng Lý Sơn rồi đóng gói để du khách mua làm quà. Loại tỏi này khi chế biến các món ăn rất thơm, ngon.

Theo bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, do ảnh hưởng của thời tiết bão gió mạnh nên vụ tỏi đông - xuân đạt năng xuất rất thấp, khoảng 37,7 tạ/ha, sản lượng ước khoảng 1.300-1.400 tấn. Chính vì vậy giá thành tỏi Lý Sơn năm nay khá cao.

"Hiện nay tại đảo có 4 cơ sở kinh doanh sản xuất tỏi đen được đầu tư máy móc hiện đại, tân tiến, trong đó có cơ sở của vợ chồng chị Thúy. Các cơ sở này đều đạt điều kiện thủ tục, nhãn mác, mẫu mã, chất lượng", bà Hương cho biết.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn tích cực hỗ trợ, vận động tuyên truyền cơ sở sản xuất tỏi đen Thanh Thúy, và một số cơ sở khác nâng công suất sản xuất tỏi đen để đáp ứng nhu cầu khách hàng; khuyến khích các cơ sở chế biến tỏi đen thành sản phẩm đặc trưng, phục vụ nhu cầu sản phẩm quà tặng cho du khách khi tham quan du lịch đảo Lý Sơn.

Đồng thời, đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm tỏi đen, rượu tỏi đen, bột tỏi đen,… tham gia đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm tỏi Lý Sơn và thông qua kênh OCOP sẽ quảng bá các sản phẩm tỏi, sản phẩm đặc trưng của huyện đến khách hàng trên toàn quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm