Xâm hại tình dục trẻ: Vì sao kẻ xấu vẫn nhởn nhơ?

(Dân trí) - “Xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần…”, bà Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội) nêu vấn đề trong tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng”, diễn ra ngày 14/3 tại Hà Nội.

Tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là trong bối cảnh nhiều vụ xâm hại bạo lực tình dục liên tiếp bị phanh phui trong thời gian gần đây.

Nỗi uất ức của người cha có con 3 tuổi bị xâm hại

Có mặt trong buổi tọa đàm, anh N.T.V (Hà Nội) - cha của một bé gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục đã phải bật khóc khi nhắc lại câu chuyện đau lòng xảy ra với con gái mình. Anh V. cho biết, 2 năm trước con gái 3 tuổi của anh khi sang nhà hàng xóm chơi đã bị người đàn ông này dụ dỗ, dâm ô.

Khi phát hiện câu chuyện, anh V. có sang đối chất thì người này xin lỗi và viết giấy cam kết không tái phạm. Bản thân anh V. sau đó cũng lên cơ quan công an để trình báo sự việc. Ngay lập tức, con gái anh được đưa đi giám định pháp y. Trong bản kết luận, các bác sỹ khẳng định: Cháu bé có dấu hiệu bị dâm ô, bộ phận sinh dục bị trầy xước. Cuối năm 2016, anh V. nhận được thông báo của cơ quan công an về việc sẽ tiến hành khởi tố đối với kẻ xâm hại con gái mình. Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ việc đã bị rơi vào im lặng. Người hàng xóm gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bản thân anh V. dù đã đi khắp nơi để gõ cửa nhưng vẫn không nhận được sự phản hồi nào. “Bản thân tôi lúc nào cũng có cảm giác xót xa, đau đớn khi nhìn thấy con gái. Tôi cảm thấy mình bất lực. uất ức và vô dụng khi không thể giúp và bảo vệ cho con gái mình.”, anh V. nghẹn lòng nói.

Trong khi đó chị H.(Thạch Thất - Hà Nội) cũng cho biết, 2 năm qua chị không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu cơ quan, gõ cửa không biết bao nhiêu tổ chức xã hội để đòi lại công bằng cho con gái mình. Thế nhưng, dù đã tiến hành lấy lời khai hung thủ, thu thập các chứng cứ cần thiết mà vụ việc vẫn chưa có tiến triển nào. “Tôi đau đớn như “chết đi sống lại” khi cháu kể lại rành rọt bị người đàn ông hàng xóm lạm dụng vào chỗ kín như nào, bắt cháu quan hệ ra sao? Một đứa bé còn quá non nớt mới có vài tuổi đầu làm sao có thể tự nghĩ những chuyện như vậy để xúc phạm, hạ danh dự người khác? Vậy mà tôi không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn không có động thái gì để xử lý vụ việc. Thậm chí đến giờ, gia đình người đàn ông này lại quay lại thách thức gia đình tôi”, chị H. đau đớn nói.


Trong tọa đàm, các chuyên gia cho rằng nạn xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng tăng với mức độ ngày một nghiêm trọng, phổ biến

Trong tọa đàm, các chuyên gia cho rằng nạn xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng tăng với mức độ ngày một nghiêm trọng, phổ biến

Theo luật sư Lê Văn Luân (người tham gia bào chữa cho gia đình cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai - Hà Nội) cho hay, những câu chuyện trên không phải là hiếm. Rất nhiều vụ án xâm hại tình dục ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết. Ở các nước khác trên thế giới, họ phân hóa hành vi rất rõ ràng. Chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép đã cấu thành tội. Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này. Trong nhiều vụ án, các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại: “Đây là một điều khá vô lý, bởi đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết? Hoặc nếu gia đình nạn nhân phát hiện muộn cũng khó thu thập chứng cứ” - luật sư Luân nêu vấn đề.

Đồng tình với quan điểm này, Bác sỹ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn còn đang khá lỏng lẻo. Việt Nam vừa mới thông qua Luật Trẻ em và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.6.2017. Tuy nhiên, khái niệm về “xâm hại tình dục” trong Luật này vẫn còn chưa đầy đủ. “Theo luật, xâm hại là hành vi giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Liên quan tới đó có thêm các mức độ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu. Theo tôi, chúng ta nên sử dụng khái niệm của quốc tế là, tất cả các hình thức kể cả nhìn soi mói, âu yếm quá mức hay sờ mó thì đều gọi là xâm hại tình dục. Như vậy mới có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa được”, ông An cho hay.


Bác sỹ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (trái) trao đổi tại buổi toạ đàm

Bác sỹ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (trái) trao đổi tại buổi toạ đàm

“Nếu chúng ta còn im lặng, thì sẽ còn có thêm nhiều tội ác”

Trong khi đó, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển xã hội thẳng thắn cho biết, ngoài yếu tố về luật pháp thì chính rào cản văn hóa, sự kỳ thị đối với các nạn nhân trong những vụ xâm hại tình dục đã khiến vấn nạn này ngày càng trở nên nghiêm trọng, phổ biến.

Trong quan niệm của chúng ta, tình dục vốn được coi là bản năng thấp kém của con người. Vì thế, nói về tình dục là nói về việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện bị xâm hại tình dục. Nhiều người thay vì bày tỏ thông cảm với nạn nhân lại quay ra nghi ngờ, chê trách họ vì đã gây ra sự chú ý, dễ dãi trong ăn mặc hoặc dại dột chơi với kẻ xấu. “Tôi rất bức xúc khi tại sao chúng ta đòi hỏi người con gái phải nguyên vẹn trinh tiết khi về nhà chồng nhưng lại im lặng trước những vụ xâm hại tình dục này. Nhiều gia đình dù phát hiện ra sự việc nhưng lại chọn cách im lặng. Họ im lặng vì lo sợ con em mình mất hết tương lai, họ lo sợ bị xã hội kỳ thị. Rồi cộng đồng, xã hội cũng im lặng trong việc lên án những kẻ xấu gây ra hành vi tội ác. Chúng ta phải đợi đến bao giờ? Xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần”, bà Hồng nêu vấn đề.

Cũng theo các chuyên gia, để giải quyết được tận gốc vấn nạn này chúng ta cần sự chung tay, hợp lực của cả cộng đồng. Trong đó, không chỉ có cơ quan chức năng mà ngay cả chính các bậc phụ huynh cũng cần có nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục.

Hà Trang