“Hãy chia sẻ nhiều hơn kỹ năng, nhận thức về ấu dâm đến các cha mẹ khác”

(Dân trí) - Trong những ngày đây, dư luận xã hội bức xúc vì nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Rất nhiều người đã lên tiếng bảo vệ trẻ em, yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng đưa vụ việc ra ánh sáng để đòi lại công bằng cho gia đình các nạn nhân.

PV Dân Trí đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Hoàng Anh Tú- người được biết đến với vai trò là anh Chánh Văn của báo Hoa học trò trong suốt 12 năm. Anh Hoàng Anh Tú là một trong những người đóng góp tiếng nói kêu gọi mạnh mẽ trong việc bảo vệ trẻ em và nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của đông đảo cộng đồng mạng.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt các vụ ấu dâm liên tiếp xảy ra. Trẻ em luôn là nạn nhân bị tổn thương trực tiếp và nặng nề nhất. Với tư cách là một người cha, anh có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi phẫn nộ! Thực sự là phẫn nộ. Nhưng rồi sau đấy là hoang mang và sợ hãi. Khi mà vụ ở Vũng Tàu phải chờ Chủ Tịch Nước lên tiếng, vụ ở Hà Nội phải chờ Phó Thủ Tướng lên tiếng.... Là một người cha, tôi nghĩ nhiều cha mẹ khác cũng như tôi, hẳn đều đang vô cùng hoang mang và sợ hãi. Những đứa trẻ của chúng ta đang không an toàn. Trong khi đó, người lớn thì đang mải mê cãi nhau chuyện Trấn Thành, share nhau chuyện sao này sao nọ cãi nhau.


Người lớn, gia đình và nhà trường có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại tình dục. (ảnh minh hoạ)

Người lớn, gia đình và nhà trường có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại tình dục. (ảnh minh hoạ)

Có thời gian, vụ án ấu dâm xảy ra ở Bà Rịa Vũng Tàu bị “chìm” xuống và suýt rơi vào im lặng. Nhiều vụ ấu dâm khác cũng chưa được đưa ra ánh sáng và để lại nhiều bức xúc. Có chăng, các cơ quan chức năng đang chưa làm hết trách nhiệm của mình?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi và nhiều cha mẹ Việt buộc phải nghĩ vậy dù có thể rất oan cho các cơ quan chức năng. Bởi họ- các cơ quan chức năng- chưa cho chúng tôi thấy sự quyết liệt và quan tâm của họ đến những vụ việc thế này. Họ đang khiến chúng tôi- các bậc cha mẹ- nghĩ rằng họ chỉ coi những vụ ấu dâm này giống như mọi vụ án hình sự (thậm chí là dân sự) khác. Có thể họ cũng đang nỗ lực đấy nhưng họ “thầm lặng” quá! Tôi nghĩ, giống như hồi tôi làm Chánh Văn trên báo Hoa học trò, có những sự vụ chưa giải quyết được thì tôi chọn cách giải toả giùm các em. Bởi khi chúng ta đang gặp rắc rối, điều chúng ta cần đầu tiên không phải là giải pháp mà đôi khi chỉ cần những chia sẻ mang tính giải toả trước. Nếu họ- các cơ quan chức năng- thể hiện sự quan tâm và nhanh chóng vào cuộc thì nó cũng đã giúp nạn nhân, người thân của nạn nhân, những người đang quan tâm có thể yên tâm hơn và sẽ sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác cùng họ. Hãy trở thành “đồng minh” với nạn nhân, hãy đặt địa vị nạn nhân là con cháu trong nhà mình đi thay vì làm “tròn vai” cơ quan chức năng. Mà đôi khi, nói thật, vô cảm lắm!

Con số thống kê cho biết, 90% người xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng. Như vậy, nhiều trẻ em đang bị xâm hại tình dục ngay ở những nơi được cho là an toàn nhất. Không thể nói rằng, người lớn, gia đình, nhà trường không có bất cứ sai lầm nào trong việc bảo vệ con trẻ?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Chính xác! Tôi đồng ý! Đầu tiên vẫn phải là nhận thức của các cha mẹ. Nhiều cha mẹ chưa hề có khái niệm nào về ấu dâm. Họ chỉ nghĩ ấu dâm có nghĩa là phải có quan hệ tình dục, phải là hãm hiếp trẻ em. Thậm chí chính họ tiếp tay cho kẻ ấu dâm một cách vô tình, vô tâm như cười xoà khi ai đó nghịch cơ quan sinh dục con họ và trêu là “to như bố ý nhỉ?”. Thậm chí nhiều cha mẹ còn nghĩ ấu dâm chỉ xảy ra với con gái chứ con trai thì chả mất cái gì. Thậm chí nhiều cha mẹ còn mắng con nếu như con không thể hiện sự lễ phép với người lớn (mà biết đâu con họ đang sợ hãi vì đó chính là kẻ đã xâm hại bé). Và đau xót là thậm chí còn mắng con là vô lễ nếu như con có biểu hiện chống đối kẻ xâm hại (trong vỏ bọc bạn của bố, mẹ)… Còn rất nhiều nữa những ví dụ đau lòng khác từ sự vô tư đến vô tâm của cha mẹ.

Thứ nữa là đến nhà trường! Tôi chưa thấy các trường chú trọng đến việc tư vấn tâm lý học đường. Tất cả những gì các trường đang làm hiện nay mới chỉ là lý thuyết về phòng chống xâm hại tình dục. Thậm chí nhiều trường còn coi đó là một học trình bộ môn mà không phải thi nên học cho xong, dạy cho xong. Nhiều trường ý thức hơn, có mời các chuyên gia về nói chuyện với học sinh của trường nhưng nó vẫn chỉ mang tính ngắn hạn, vội vàng và chưa thực sự sâu sát hơn. Tôi cũng đã từng được mời về một số trường để nói chuyện nhưng nói thật, cũng không đủ thời gian để gặp gỡ và tháo gỡ cho các trường hợp cụ thể. Chỉ có thể là chính các thầy cô tại trường, tại lớp mới có cơ hội để làm điều đó. Nhưng với giáo trình dày đặc kiến thức như hiện nay thì mong gì các cô còn đủ thời gian để ý đến từng học trò cho nổi???

Nạn nhân của những vụ ấu dâm đều là những đứa trẻ còn rất nhỏ, hầu hết chưa có sức mạnh và ý thức để tự bảo vệ bản thân. Trẻ em nên được trang bị những kỹ năng gì để tự bảo vệ chính bản thân mình?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Để nói về kỹ năng gì cần trang bị cho các em thì tôi nghĩ chúng ta có hàng trăm tài liệu. Và tôi nghĩ hơn bao giờ hết, những tài liệu đó cần phải được phổ biến mạnh mẽ và nhiều hơn nữa, tràn ngập hơn nữa.

Nhưng có một thứ tôi nghĩ cần trang bị ngay và luôn đó là kỹ năng LẮNG NGHE dành cho cha mẹ và các thầy cô. Lắng nghe các con. Để tâm chứ đừng chỉ là để ý. Để tâm mới có thể nhìn thấy những sự thay đổi trong tâm lý, phản ứng của các con. Chứ nhiều cha mẹ, thầy cô chỉ mới có để ý thôi. Chỉ thấy sao con nghịch thế? Sao con học dốt thế? Sao con lười thế? Sao con hư thế?

Người Việt thường có quan niệm tránh trao đổi về vấn đề giới tính và tình dục với trẻ em nên không nhiều em nhỏ có nhận thức đầy đủ về chuyện này. Trước hàng loạt các vụ ấu dâm đang xảy ra, phải chăng, đã đến lúc cần thay đổi suy nghĩ xưa cũ này?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi đồng ý! Thực ra việc giáo dục giới tính cho các bạn trẻ bây giờ đã tốt hơn trước rất nhiều rồi. Hồi tôi phụ trách chuyên trang Giới Tính trên báo Hoa Học Trò, chúng tôi còn phải “lách” rất nhiều vì các phụ huynh sẵn sàng xé báo, viết thư gửi cơ quan chủ quản yêu cầu đình bản báo vì báo in hình “khiêu dâm”, có những bài viết mô tả sống sượng cơ quan sinh dục…

Bây giờ thoáng hơn nhiều rồi nhưng vẫn là chưa đủ. Ngay hôm rồi, khi tôi được mời thẩm định và biên tập 1 bộ sách mua bản quyền của nước ngoài về giới tính, tôi cũng phải đau đầu tìm từ ngữ thay thế những “từ đúng” vì sợ phản ứng của độc giả, đặc biệt là phản ứng của cộng đồng mạng kiểu “sách viết bậy quá”. Những từ như “dương vật” phải thay thành “đèn dầu”, những từ như “vú” phải thay bằng “núi đôi”… Chúng ta vẫn cứ phải tránh né các kiểu để rồi thông tin hữu ích nghiêm túc trở thành đùa bỡn, nói giảm nói tránh…

Cha mẹ nên làm thế nào để bảo vệ con cái một cách an toàn nhất mà không kìm hãm hay gò bó sự phát triển của con trẻ?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Vẫn cứ là LẮNG NGHE. Tôi nghĩ chừng nào cha mẹ còn Lắng Nghe con- Để Tâm đến con thì con còn an toàn. Bằng cha mẹ sao nhãng thì ngay sau đó thôi, cha mẹ sẽ phải trả giá bằng thương tổn nơi con ngay!


Sự im lặng còn đáng sợ hơn sự xâm hại. (ảnh minh hoạ)

"Sự im lặng còn đáng sợ hơn sự xâm hại". (ảnh minh hoạ)

Sự im lặng của người lớn trước các vụ ấu dâm có phải là hành động đúng đắn để tránh làm tổn thương tâm lý trẻ ?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi không tìm thấy liên hệ nào trong việc người lớn im lặng lại giúp trẻ không bị tổn thương cả. Nói chính xác thì sự im lặng của người lớn chính là đồng tình với kẻ xâm hại, với ấu dâm, với tội ác!

Có thể coi sự im lặng là một trong những hành vi xâm hại trẻ nhỏ?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Chính xác! Nó còn đáng sợ hơn cả xâm hại. Nó làm cho sự xâm hại trở nên đúng đắn.

Cộng đồng mạng- những người có sức ảnh hưởng lớn nên có những hành động cụ thể như thế nào để chung tay bảo vệ trẻ em thoát khỏi những tổn thương tinh thần và thể chất từ những kẻ “biến thái”?

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Tôi không nghĩ cộng đồng mạng có thể làm gì được trong việc này. Phải là Pháp Luật trừng trị. Cộng đồng mạng chỉ làm nhiệm vụ lôi vụ việc ra ánh sáng, phát hiện và gửi những vụ án đó đến cho các cơ quan chức năng xử lý. Giám sát quá trình xử lý của các cơ quan chức năng. Và sử dụng quyền lực của mình để bày tỏ thái độ với những vụ án đó.

Nhưng thứ tôi cần nhất ở cộng đồng mạng lúc này đó là hãy chia sẻ nhiều hơn những kỹ năng và nhận thức về ấu dâm đến các cha mẹ khác. Tôi nghĩ điều đó sẽ có giá trị hơn cả!

Cám ơn anh về những chia sẻ này!

Hoàng Ngọc