"Vua đồ cũ" Hà Nội kể chuyện khởi nghiệp từ đồng nát, đào tạo các "tỷ phú"
(Dân trí) - "Vua đồ cũ" khởi nghiệp năm 32 tuổi bằng nghề sửa chữa điện tử, điện lạnh. Hơn 20 năm qua, ông luôn tự hào vì đã đào tạo ra các thế hệ học viên "tỷ phú" có thu nhập cao.
"Đêm nào, tôi cũng trằn trọc suy nghĩ cách kiếm tiền"
Cửa hàng sửa chữa điện lạnh nằm trên phố Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) của ông Nguyễn Công Nhân (57 tuổi), thường được biết đến với biệt danh Nhân "Râu", đã có tuổi đời hơn 20 năm. Ông "khởi nghiệp" khá muộn, khi đã 32 tuổi, nhờ một ngã rẽ "đổi đời".
Hết lớp 5, ông Nhân nghỉ học, về nhà kinh doanh kem. Buôn bán từ nhỏ, lại có "máu" làm giàu, ông nói rằng bản thân lớn lên từ những "va vấp kinh tế" với người trong xã hội.
"Ngày xưa tôi học kém do không chịu nghe giảng, năm nào cũng ở lại lớp, nhưng lại nhanh nhạy với tính toán", ông Nhân cười.
Trong một lần thuê thợ về sửa chữa máy làm kem, ông nhận thấy người này sửa mãi nhưng máy vẫn hỏng. Ông đứng bên cạnh quan sát, hiểu ra vấn đề và lỗi khắc phục. Một lần vô tình ra chợ Giời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông mua được một cuốn sách về nghề sửa chữa điện tử điện lạnh.
"Tôi đọc sách, tự học nghề điện trong vòng một tháng. Sau, tôi xin bố mẹ bỏ nghề làm kem, rồi đứng lên khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, khó khăn vô cùng. Thời điểm đó, đêm nào, tôi cũng trằn trọc suy nghĩ cách kiếm tiền", ông nhớ lại.
Ông Nhân "Râu" quyết định mở cửa hàng, đặt tên "Vua đồ cũ" - tấm bảng hiệu đơn sơ với nét chữ đơn giản, phía dưới tên đính kèm số điện thoại. Tại đây, ông chuyên thu mua thiết bị cũ, tháo gỡ và bán các linh kiện còn có thể tái sử dụng, sửa chữa các thiết bị trực tiếp tại cửa hàng.
Ngoài ra, ông thuê thêm 7 người thợ (trong độ tuổi 20), chia nhau đi khắp Hà Nội thu mua đồ, hoặc khắc phục các lỗi điều hòa, máy giặt, tủ lạnh… theo yêu cầu của khách.
"Tôi là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi công việc kinh doanh này. Mỗi ngày, chúng tôi đều tất bật với công việc từ 8h sáng đến 5h30 chiều", ông chia sẻ.
Sau khi thu mua các thiết bị như máy giặt, điều hòa, tủ lạnh,… nhóm của ông Nhân sẽ đánh giá chất lượng. Nếu thiết bị còn tốt, họ sẽ sửa chữa và bán lại với giá chỉ từ 1 - 1,4 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn nhiều so với mua mới.
Nếu thiết bị cần thay thế, họ sẽ tìm kiếm các loại linh kiện điện tử khác nhau, có thể không cùng hãng rồi lắp ráp, tạo nên một thành phẩm hoàn chỉnh.
Ngoài nhóm khách hàng chính là những người thợ sửa chữa điện tử mua các linh kiện điện tử (giá từ vài chục nghìn đồng đến tiền triệu), thì sinh viên và những người lao động thu nhập thấp cũng thường xuyên tìm đến cửa hàng của ông Nhân để mua các thiết bị với giá rẻ, độ bền trung bình 5 năm, thậm chí hơn 10 năm.
Nhờ sự phát triển của Internet, ông Nhân đưa cửa hàng lên các nền tảng mạng xã hội nhằm bắt kịp xu thế, từ đó mở rộng quy mô kinh doanh. Không riêng Hà Nội, mạng lưới lan ra các tỉnh lân cận phía Bắc, miền Trung và số ít ở TP HCM.
Khách hàng chỉ cần đăng bài tìm mua một linh kiện hay thiết bị lên hội nhóm, ông Nhân sẽ cho thợ tìm kiếm và đóng gói gửi hàng.
Đào tạo các "tỷ phú"
"Công việc 25 năm qua không có gì mệt mỏi, chỉ hơi tất bật vì tiếp nhiều khách hàng mỗi ngày", ông Nhân tâm sự.
Khó khăn duy nhất của ông là ba căn nhà liền kề tổng diện tích 300m2, cao 6m, sâu 15m, không đủ chứa hết các thiết bị, linh kiện điện tử. Ông tính thuê một căn nhà đủ rộng để sắp xếp lại tất cả.
Từ tầng một lên tầng ba, các thiết bị điện tử, điện lạnh chất đống như "núi" khiến người đi đường choáng ngợp. Các tầng đều được trang bị bình cứu hỏa, đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Ông phải dùng dây xích để cố định các thiết bị, tránh những ngày mưa gió. Mỗi lần vận chuyển đồ từ trên mái nhà xuống, một người phía trên sẽ cố định thiết bị bằng dây rồi từ từ thả xuống dưới trong khi một người khác đứng đợi sẵn để đón lấy.
"Vì ở dưới mặt đất không còn chỗ chứa đồ nên buộc đưa lên mái nhà. Mái tôn tuy từ thời bao cấp nhưng còn bền, chắc chắn, đủ sức chứa khoảng 300 vỏ máy giặt cồng kềnh", người đàn ông vừa chỉ tay lên mái nhà, vừa miêu tả.
Ông nói căn nhà trước đây là không gian sinh sống của vợ chồng ông cùng hai con (hiện 18 và 22 tuổi) , nhưng phải nhường lại thành kho chứa đồ. Họ đành chuyển xuống ở gian nhà phía sau.
Dù là nơi gắn bó từ lâu, nhưng vì đồ đạc la liệt và bừa bãi, thỉnh thoảng bước vào căn nhà ông Nhân lại cảm thấy "rùng mình", không dám đi sâu bên trong.
Nhìn lên căn nhà chất đống thiết bị, "Vua đồ cũ" cho biết trung bình 5 năm sẽ thanh lý bớt những thiết bị không thể bán bằng cách đập nát và bán cho các cửa hàng đồng nát.
Ông Nhân tự hào vì công việc đơn giản, nhưng đã đào tạo ra nhiều thế hệ học viên đã trở thành "tỷ phú" với mức thu nhập cao. Họ đều là những người xin đến học nghề điện, nhưng chủ yếu là học cách tư duy kinh doanh từ ông.
"80% thợ và học viên bước ra từ căn nhà này đều nên người và thành công. Tôi luôn hướng các em, các cháu đến cách kinh doanh từ số vốn ít ỏi", ông tự hào nói.
Hơn 20 năm trước, ông Nhân dám khẳng định vị trí độc quyền trên thị trường đồ cũ.
20 năm sau, ông nhận ra thị trường đã bão hòa, có những "Vua đồ cũ" thế hệ mới "mọc lên như nấm", khắp Hà Nội có hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng tương tự. Tuy nhiên, ông vẫn luôn tự tin bản thân sở hữu những món hàng ""độc, hiếm, khó tìm" mà không phải đâu cũng có.
"Niềm vui của tôi là công việc hiệu quả, chân chính, được việc cho mọi người và được việc cho mình", ông nói.