Vốn tín dụng cho "tam nông" vẫn gặp khó
Thời gian qua, tỉnh đã tích cực trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Dù đã có nhiều ưu tiên, song rào cản cũng không ít khiến việc tiếp cận nguồn vốn của các hộ nông dân, đơn vị sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, tính đến hết 31-11-2016, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn giảm 2,8% so với năm 2015. Nguyên nhân là do nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khá lớn, trong khi đó, nguồn vốn cho vay lĩnh vực này chủ yếu vẫn từ nguồn huy động theo lãi suất thị trường (chiếm trên 75%). Vì thế, nguồn vốn dùng để cho vay tam nông phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động ở ngoài tỉnh và sự hỗ trợ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp trên. Điều này cũng lý giải vì sao các ngân hàng thương mại nhà nước và thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chiếm phần lớn dư nợ cho vay tam nông với 98%, còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác chỉ chiếm 0,46%. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; thị trường đầu ra thường xuyên biến động; trình độ sản xuất còn hạn chế. Các ngân hàng khi cho vay đối với đơn vị sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn rất thận trọng, không cho vay lớn. Còn đối với nông dân, dù cho vay tín chấp nhưng ngân hàng vẫn phải quản lý sổ đỏ, thẩm định kỹ về nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn, khả năng trả nợ, từ đó quyết định mức cho vay phù hợp để tránh việc một người vay ở nhiều ngân hàng khác nhau.
Trong khi những khó khăn, vướng mắc nêu trên tồn tại đã lâu mà vẫn chưa thể giải quyết được thì khi thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP lại gặp những vướng mắc mới. Theo Nghị định 55, ngân hàng xem xét cho vay bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX nông nghiệp; 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thuỷ sản; 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, đến nay dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX mới chỉ đạt 9,5 tỷ đồng, chiếm 0,12% tổng dư nợ. Bởi thực tế, nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả chưa cao, thiếu phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, tài chính chưa minh bạch... Các đối tượng được vay không cần bảo đảm tài sản, không phải làm thủ tục thế chấp, nhưng phải nộp cho các ngân hàng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận. Trong khi đó, phần lớn các HTX lại đang gặp khó khăn về quỹ đất như: Thiếu quỹ đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được giao đất... Để đầu tư sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đều cần nguồn vốn lớn, trong khi đó, nhu cầu vay cao hơn mức vay không có tài sản bảo đảm thì phần vượt phải có tài sản bảo đảm. Ông Hoàng Văn An, Giám đốc HTX Bình An (huyện Bình Liêu) cho biết: Việc tiếp cận được nguồn vốn đủ đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất nông nghiệp còn rất khó. Theo quy định, HTX có thể vay được khoảng 1 tỷ đồng, với số tiền ấy cũng chưa đầu tư được gì đáng kể, nhưng thực tế cũng mới chỉ vay được khoảng từ 200-300 triệu đồng. Vướng ở chỗ là việc ngân hàng chưa công nhận tài sản đầu tư trên đất là tài sản đủ điều kiện vay vốn.
Xã viên HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, huyện Hoành Bồ chăm sóc cây cà gai leo.
Phần lớn các hộ nông dân, đơn vị sản xuất đều cho rằng các thủ tục còn rườm rà cũng là rào cản trong việc tiếp cận vốn. Trong khi đó, nông nghiệp lại là lĩnh vực hay gặp rủi ro bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, dẫn đến dễ phát sinh nợ xấu, nên nhiều ngân hàng vẫn còn e ngại. Do đó, hầu hết các ngân hàng khi cho vay đều đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo thế chấp. Ông Vũ Hữu Tình, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Song Hành cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư trồng rau thuỷ canh với chi phí ước tính 500 triệu đồng/sào. Doanh nghiệp rất cần vốn, song để tiếp cận vốn vay của ngân hàng thực hiện các dự án của đơn vị nói riêng và các dự án nông nghiệp nói chung là rất khó. Trong khi đó, trên 7ha diện tích đất của doanh nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ năm 2014, nhưng đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, để được giải ngân vốn thì các doanh nghiệp phải mất 1 tuần để hoàn thiện gần 20 các loại giấy tờ, thủ tục... Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành thì ngân hàng cũng nên xem xét việc sử dụng tài sản trên đất làm đảm bảo thế chấp cũng như linh hoạt trong việc thực hiện thủ tục vay vốn.
Từ thực tế trên cho thấy, các cấp, ngành cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông tín dụng cho tam nông. Đồng thời, các hộ nông dân, đơn vị sản xuất cần phải nâng cao năng lực, từ đó, tạo chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp để nông thôn phát triển.
Theo Cao Quỳnh
Báo Quảng Ninh