Vợ chồng người Tày "cõng" đặc sản Cao Bằng về Hà Nội

Ngọc Linh

(Dân trí) - Bánh cuốn là món ăn quen thuộc với nhiều người Việt, xong bánh cuốn Cao Bằng lại có một hương vị rất khác. Trải qua nhiều khó khăn, vợ chồng anh Đình Tuấn đã đem món đặc sản này từ miền núi về Thủ đô.

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 1
Hai vợ chồng anh Tuấn tất bật làm món bánh phục vụ thực khách.

Trong quán nhỏ nằm trên con phố Nguyễn Văn Tuyết (Đống Đa, Hà Nội), anh Tuấn vừa thoăn thoắt tráng bánh, vừa kể chuyện: "Ở Cao Bằng, gia đình tôi có truyền thống bán bánh cuốn từ lâu đời. Cũng không nhớ rõ là từ năm nào, chỉ nhớ là từ khi rất nhỏ tôi đã chứng kiến bố mẹ phụ giúp ông bà bán bánh.

Sau này để nuôi hai con xuống Thủ đô học Đại học vợ chồng tôi quyết định xuống đây làm ăn. Tôi rất tự hào về món ăn truyền thống của quê hương, bánh cuốn Cao Bằng có những thứ rất đặc biệt so với những vị bánh cuốn ở các vùng miền khác".

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 2
Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên chị Minh luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với thực khách.

Chị Nguyễn Thị Minh( vợ anh Tuấn) cho biết, toàn bộ nguyên liệu để làm món bánh này đều được anh chị đem từ Cao Bằng xuống. Bột tráng bánh phải làm từ gạo Đoàn Kết, chỉ có trồng trên miền núi Cao Bằng mới cho ra được vỏ bánh có độ dai và mềm đúng chuẩn. Nhân bánh cuốn Cao Bằng hoàn toàn là thịt băm nhuyễn.

Anh Tuấn kể: "Rất nhiều khách đến ăn hỏi thêm hành phi và mộc nhĩ anh đều cười nói, bánh cuốn Cao Bằng không có hai nguyên liệu này". Đây là điểm khác biệt của bánh cuốn Cao Bằng so với món bánh cuốn thông thường, khách có yêu cầu nhưng anh sẽ vẫn giữ nguyên bản công thức món ăn đặc sản của quê hương.

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 3
Một suất bánh cuốn Cao Bằng đầy đủ là lựa chọn hoàn hảo cho bữa sáng.

Khác với nước chấm bánh cuốn ở Hà Nội được pha bằng nước mắm và các loại gia vị, nước chấm ăn kèm của bánh cuốn Cao Bằng phải là nước ninh xương ống từ 8-10 tiếng đồng hồ.

Anh Tuấn chia sẻ: "Trên Cao Bằng thời tiết lạnh hơn ở Hà Nội, để thưởng thức bánh cuốn ngon thì phải là nước hầm xương nóng hổi ăn mới đã". Trong quá trình ninh xương, chị Minh cũng phải "canh" để vớt bọt liên tục cho nước dùng có độ trong.

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 4
Nguyên liệu làm bánh đều phải tươi và nóng hổi.

Trong mỗi suất nước chấm đều có thêm trứng tráng lòng đào và một chiếc giò heo. Ăn một miếng giò giòn sựt sựt, kèm chút trứng béo ngậy cùng miếng bánh cuốn dai dai và nếm chút nước dùng đậm đà, tất cả hương vị hòa tan trong vị giác khiến người ăn khó quên.

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 5
Măng ớt ngâm quả mắc mật là điểm nhấn hương vị cho món bánh cuốn Cao Bằng.

Chị Nguyễn Minh Anh (22 tuổi, Hà Nội) là khách quen của quán bánh cuốn Cao Bằng, hầu như ngày nào cũng có mặt ở quán. Chị chia sẻ: "Bánh cuốn ở đây đặc biệt, mình thích nhất vị nước dùng nóng hổi, đậm đà. Ở đây còn có măng ớt ngâm quả mắc mật ăn rất nghiền. Chắc chắn không quán bánh cuốn nào ở Hà Nội có. Đúng chuẩn vị đặc sản núi rừng!".

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 6
Khách hàng đến một lần đều hài lòng với món ăn đặc sản Cao Bằng.

Nhớ lại khoảng thời gian cách đây 5 năm, khi anh chị rời thị trấn Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) xuống Thủ đô lập nghiệp, anh Tuấn bồi hồi: "Tôi cũng rất đắn đo khi quyết định "cõng" đặc sản xuống núi. Đất khách quê người chẳng có ai nhờ vả, hai vợ chồng tôi cũng rất vất vả mới có thể làm nhiều người biết tới món ăn này hơn, cũng có lúc nản nhưng hai vợ chồng tự động viên nhau tiếp tục làm.

Hiện tại công việc buôn bán đã ổn định, tôi nghĩ đó là do hai vợ chồng đã thực sự tâm huyết và chu đáo. Từ việc chọn nguyên liệu, chế biến cho tới phục vụ đều phải chỉnh chu hết, có thế mới giữ chân khách lâu dài".

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 7
Hương vị hòa quyện khiến thực khách mê mẩn.

Mỗi ngày vợ chồng anh chị đều thức khuya dậy sớm để chuẩn bị hàng bán cho kịp. Anh không thuê người làm mà tự tay chuẩn bị bột bánh, nhân thịt, hầm xương, rồi tráng bánh phục vụ khách từ sáng tới tối. Trung bình mỗi ngày anh chị phục vụ hơn 300 suất bánh cuốn.

Vợ chồng người Tày cõng đặc sản Cao Bằng về Hà Nội - 8
Thời tiết lạnh nhiều người muốn thưởng thức món ăn nóng hổi này.

Một suất bánh cuốn Cao Bằng có giá 35.000 đồng rất đáng thử trong những ngày giá lạnh ở Thủ đô. Hoặc nếu có dịp đến thăm Trùng Khánh, Cao Bằng, du khách nhất định phải thưởng thức món bánh này một lần mới thực sự trọn vẹn và đáng nhớ.