"Việc học tiếng Anh bây giờ chỉ phụ thuộc vào người học thôi"

Hoàng Vân

(Dân trí) - "Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự tiến bộ trong các phương pháp thì việc học tiếng Anh bây giờ chỉ phụ thuộc vào người học thôi", Kiều Trang -người có 14 năm trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh chia sẻ.

Kiều Trang là một gen Y (*) chính hiệu, và ngoài ra cũng đang dạy tiếng Anh cho rất nhiều bạn gen Z (*), thì theo Trang, hai thế hệ này có sự khác biệt về năng lực tiếng Anh là như thế nào?

Đầu tiên, để nói về sự khác biệt thì chắc chúng ta sẽ phải nói về xuất phát điểm của 2 thế hệ này. Tôi nhớ thế hệ 9X, nếu mà học ở thành phố thì phải mãi tới những năm cấp 3 mới được tiếng Anh. Như tôi học tiếng Anh từ lớp 10 - khá là muộn. Hồi đó, mình học trên lớp chỉ được học ngữ pháp và từ vựng thôi. Nhưng nhà tôi ở gần sân bay Nội Bài, cả xóm ai cũng làm sân bay, nên từ sớm Trang đã hiểu về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh toàn diện, đặc biệt là giao tiếp. Đến khi lên đại học, thì các  bạn đi du học, đi các chương trình trao đổi rất nhiều, và để đi được các chương trình này thì bắt buộc tôi phải có tiếng Anh.

Tiếng Anh lúc đó, với những bạn không ở thành phố như tôi, như một kỹ năng giúp mình "đổi đời" và trưởng thành vậy. Nói từ "đổi đời" có thể không đúng, vì bản chất tiếng Anh chỉ là một công cụ giúp các bạn truyền tải các kiến thức, kỹ năng bạn có, và giá trị của một con người thì không chỉ được đánh giá qua khả năng nói ngôn ngữ nhuần nhuyễn. Nhưng hồi đó thì giỏi tiếng Anh là một cái gì đó rất "fancy", có tiếng Anh sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm tốt, làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia, có thể đi nước ngoài.

Còn với thế hệ gen Z bây giờ, các bạn được gọi là Technology Native (công dân bản địa số). Gen Z sinh ra trong giai đoạn công nghệ được phổ cập, mạng internet, mạng xã hội phổ biến, công nghệ xóa nhòa khoảng cách về biên giới và biến cho mọi kiến thức, kỹ năng trở nên trong tầm với của con người. Trong đó có kỹ năng tiếng Anh. Tôi dạy học có rất nhiều các bạn trong tầm thế hệ này, đang đi làm cũng có, sinh viên và học sinh cấp 3 cũng có, ở các thành phố lớn cũng có mà ở ngoại tỉnh cũng có. Có một điểm khác biệt rõ ràng với thế hệ trước, là Gen Z ý thức rất rõ về tầm quan trọng của tiếng Anh.

Các bạn có sự chủ động và nhiều công cụ để học hơn. Tôi không dám đánh đồng tất cả, nhưng trong số các học sinh mà tôi từng may mắn được giảng dạy, thì mặt bằng chung của các bạn ở thành phố nhỉnh hơn. Các bạn có nền tảng chắc và tự tin hơn, trong khi các bạn ở ngoại tỉnh thì yếu hơn. Mặc dù cả 2 nhóm này đều là gen Z. Tôi nghĩ đây không phải câu chuyện thế hệ đâu, cứ không phải Gen Z là giỏi tiếng Anh đâu, mà bản chất vẫn là câu chuyện môi trường, điều kiện học tập và ý thức của từng bạn trong việc tự học và tự rèn luyện.

Việc học tiếng Anh bây giờ chỉ phụ thuộc vào người học thôi - 1

Kiều Trang - người đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy đào tạo tiếng Anh.

Như chị chia sẻ thì có vẻ gen Y đang "đuối" tiếng Anh hơn so với gen Z?

Nhìn tổng thể là như vậy. Có một casestudy thú vị cho thấy rõ ràng sự cách biệt về tiếng Anh giữa các thế hệ. Đó là các lớp tiếng Anh doanh nghiệp của trung tâm tôi đang giảng dạy, học viên chủ yếu là ở thế hệ Gen X và gen Y, là các anh chị sinh từ từ năm 1960 tới 1996 đó. Các anh chị 7x, 8X thì tiếng Anh đa số là yếu, có một vài anh chị ở vị trí quản lý cấp cao thì tiếng Anh có tốt hơn, nhưng mà năng lực giao tiếp chưa tốt. Mọi người lúc làm kiểm tra ngữ pháp thì khá ổn, tư duy logic suy luận làm bài có, nhưng kỹ năng nghe nói thì vẫn còn yếu. Khi mà nói các đoạn hội thoại dài thì cảm giác các anh chị ấy sẽ bị hết vốn liếng từ ngữ, có ý để nói nhưng không biết diễn đạt sao.

Trong khi đó, các lớp ôn thi THPT và lớp nền tảng cho học sinh cấp 2 cấp 3 thì các em Gen Z vượt trội về năng lực nghe nói. Có những bạn theo học từ năm lớp 5, nhưng khả năng nghe nói của các em đã hơn hẳn các anh chị 8X, 9X rồi. Các em rất tự tin nữa, chỉ là bị yếu về nội dung, ý tứ khi nói. 

Còn ở góc nhìn là một giảng viên, chị thấy sự thay đổi về phương pháp dạy và học tiếng Anh ở các thế hệ gen Y và gen Z thì như thế nào?

Phải nói là phương pháp dạy và học tiến bộ vượt bậc theo thời gian. Điều này thì gần như không phải bàn cãi. Phương pháp tiến bộ từ phương Tây được du nhập vào, xuất hiện nhiều nền tảng công nghệ thì thuật toán và phương pháp đa dạng khác nhau để áp dụng cho từng nhóm đối tượng, cũng ngày nhiều thêm. Dạy học cho trẻ con nhỏ sẽ có phương pháp riêng, dạy cho người lớn có phương pháp riêng, dạy cho học sinh ôn thi IELTS hay TOEIC sẽ có phương pháp riêng, dạy cho doanh nghiệp lại có phương pháp riêng.

Và nói về công cụ học tập thì nhiều vô vàn, hiện tại bạn có thể tìm thấy các tài liệu như website, video học tiếng Anh miễn phí ở khắp mọi nơi. Hiện nay nếu bạn tìm kiếm từ khóa "học tiếng Anh" ở trên google thì trong vòng 0,4 giây, Google sẽ trẻ về khoảng 200 triệu kết quả, và nếu tìm kiếm từ khóa "learn english" thì là hơn 10 tỷ kết quả.

Như vậy khối lượng thông tin, tài liệu trên các nền tảng đang gia tăng một cách chóng mặt. Đây có phải một điều tốt không?

Tôi thấy điều gì cũng có 2 mặt. Trang ngày xưa tự học tiếng Anh, tôi chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là lên trang một trang nước ngoài học miễn phí, có một kho video tư liệu bài nghe và các bài học phát âm, các đoạn hội thoại. Còn hiện tại, cũng có lúc cần tra cứu, tự tôi cũng cảm thấy áp lực khi có quá nhiều nguồn tài liệu. Việc có quá nhiều nguồn tư liệu thoải mái, vô tư cho các bạn truy cập như thế có thể sẽ dẫn tới tình trạng hoang mang không biết học với trang nào, học bắt đầu từ đâu, gọi là "khủng hoảng sự lựa chọn". Việc các bạn đôi khi chưa đủ năng lực để gạn lọc xem đâu sẽ là nguồn kiến thức tốt cho mình, phù hợp với mình, đôi khi cũng "nguy hiểm", có thể sẽ phản tác dụng, vừa mất tiền vừa mất thời gian nữa. Đây chính là nền tảng cho xu hướng review ra đời.

Hiện tại đã có những phần mềm học tiếng Anh cho phép phiên dịch cả cuộc hội thoại rồi, tức là con người thậm chí không cần học tiếng Anh vẫn có thể giao tiếp và sử dụng tiếng Anh. Trang đánh giá sao về việc này?

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom, Tập đoàn FPT có chia sẻ một đoạn như thế này mà tôi thấy rất đúng. "Có phải các phần mềm tìm kiếm như Google, như chat GPT đưa ra câu trả lời nào là chúng ta coi đó là chân lý. Điều này thực sự nguy hiểm. Không và chưa có ai kiểm chứng được mức độ chính xác của các thông tin mà Google hay GPT đưa ra là chính xác cả."

Mình nghĩ sau này các phần mềm biên phiên dịch có thể hỗ trợ chúng ta phiên dịch, giống như chúng ta đi xem phim vậy, nhân vật nói tới đâu có Vietsub ngay khoảnh khắc đó. Không biết là bao giờ nhưng theo tôi tương lai đó còn khá xa, mà nếu có thì cũng có những độ trễ nhất định. 

Mặc dù ở góc độ nào đó thì điều này là rất tốt, chúng ta có một công cụ hỗ trợ tuyệt vời, gần như xóa bỏ khoảng cách về ngôn ngữ. Nhưng, khi chúng ta giao tiếp, đó là sự tương tác nhiều chiều. Sự tương tác thực tế là thứ mà máy móc, các phần mềm sẽ không làm được đối với việc sử dụng ngôn ngữ. Bởi vì trong ngôn ngữ còn có cả sắc thái, có những lớp nghĩa mà tùy vào con người, hoàn cảnh, chúng ta sẽ trao gửi nó đi một cách khác nhau. Tôi nghĩ những điều này thì AI chưa thể nào làm được, và cũng không có công cụ nào kiểm chứng về độ chính xác của AI trong việc nó có đang truyền tải đúng những gì ta muốn giao tiếp hay không? Chừng nào khoa học công nghệ chưa phát triển tới mức đó thì tốt nhất là chúng ta vẫn phải làm chủ ngôn ngữ của mình, cho công việc, cho đời sống cá nhân của mình.

Vậy là hiện tại chúng ta vẫn học và làm chủ tiếng Anh của mình đúng không?

Cá nhân mình nghĩ tương lai AI soán ngôi ngôn ngữ của chúng ta chắc cũng còn xa lắm, mà học tiếng Anh thì mất đâu đó vài tháng thôi, khoảng 3 tháng để có nền tảng ổn và 6 tháng để bắt đầu giao tiếp tự tin, trôi chảy. Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự tiến bộ trong các phương pháp thì việc học tiếng Anh bây giờ chỉ phụ thuộc vào người học thôi. Liệu các bạn có muốn học để làm chủ thứ ngôn ngữ này hay không? Thành thạo tiếng Anh cho chúng ta nhiều cơ hội mới, và trải nghiệm một thế giới kiến thức mới vượt ngoài biên giới của tiếng Việt. Đa số các bạn gen Z nhìn thấy rất rõ lợi ích của tiếng Anh, nhưng gen Y thì cũng tùy bạn thôi (cười).

Phan Kiều Trang hiện là giáo viên tiếng Anh và CEO của Elight Learning English. Năm 2014, sau khi tham gia nhiều chương trình trao đổi với sinh viên nước ngoài, Kiều Trang tự nhận thấy năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn yếu, đặc biệt là các bạn ở các tỉnh xa. Trang quyết định thành lập trung tâm tiếng Anh trong cùng năm đó, với định hướng xây dựng các khóa học trực tuyến để giúp đỡ các bạn ở tỉnh xa, không có điều kiện tới lớp và học các chương trình tiếng Anh chất lượng. 

(*): - Gen Y - những người được sinh ra từ giữa những năm 1981 và 1996.

- Gen Z - những người sinh giữa những năm 1997 và 2009.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm