Video cô dâu Ninh Bình bước từ nhà tranh sang biệt thự 4 tỷ gây sốt mạng
(Dân trí) - Những ngày qua, video ghi lại cảnh cô dâu chú rể bước từ căn nhà vách đất cũ kỹ sang ngôi biệt thự tiền tỷ khiến nhiều người tò mò, ngạc nhiên. Theo tìm hiểu, đám cưới diễn ra tại Kim Sơn, Ninh Bình.
Có người "đoán già đoán non", cô dâu trong video có lẽ đã "đổi đời" khi cưới được chú rể giàu có, chuyển từ nhà tranh vách đất sang sống ở ngôi nhà khang trang.
Có người chỉ xem phần đầu video, thấy cảnh cô dâu chú rể đang cúi lạy trước bàn thờ gia tiên trong mái nhà tranh thì động viên cả hai cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, phía sau video lại là một câu chuyện bất ngờ đầy ý nghĩa.
Chia sẻ về đoạn video nói trên, anh Vũ Văn Thành (25 tuổi, ở Hải Dương), thợ chụp ảnh cưới cho hay, video do anh cùng đồng nghiệp quay tại một đám cưới ở Ninh Bình hồi tháng 3/2023.
Những ngày qua khi bớt bận rộn, nhóm của anh mới đăng tải video lên mạng xã hội và nhận về nhiều sự chú ý cùng hàng triệu lượt xem trên các diễn đàn.
Tại đám cưới, chú rể sau khi đón dâu cô dâu ở Hải Dương về đã cùng cô dâu vào căn nhà tranh để thắp hương. Sau khi hoàn thành các nghi lễ, cả hai mới sang ngôi nhà mới gần đó và tiến hành các nghi thức tiếp theo.
Anh Thành kể: "Hôm đó tôi và các bạn trong ê-kíp khá bất ngờ vì nhà của chú rể rất to, khang trang giống như biệt thự nhưng họ vẫn làm lễ trong căn nhà tranh vách đất kế bên.
Chúng tôi đã quay lại các hình ảnh để làm tư liệu, không ai nghĩ hình ảnh về hai ngôi nhà đối lập sẽ gây sốt trên mạng như vậy. Tôi nhớ chú rể có nói rằng, gia đình xây căn biệt thự đã gần 2 năm nhưng vẫn quyết giữ căn nhà cũ, hoàn toàn không có ý định đập bỏ".
Nhân vật chính trong video - chú rể Quang Hậu (26 tuổi, ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình) và cô dâu Khánh Huyền (24 tuổi, quê Hải Dương) vô cùng bất ngờ khi hình ảnh đám cưới của mình được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Anh Hậu cho biết, ngôi nhà tranh được xây dựng từ đời cụ cố anh. Sau này khi tu sửa, gia đình mới trát lớp xi măng bên ngoài, bên trong tường vẫn là lõi đất. Ngôi nhà là nơi sinh sống của cụ cố, ông bà và bố mẹ anh. Nơi đây đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thành viên trong gia đình.
"Hơn chục năm trước, bố mẹ tôi chuyển sang ngôi nhà cấp bốn sinh sống. Căn nhà tranh chỉ dành làm nơi thờ tự. Đến cuối năm ngoái, khi xây nhà mới, bố mẹ tôi cũng không phá bỏ căn nhà tranh.
Gia đình tôi thống nhất, đó là ngôi nhà ông bà tổ tiên để lại, có giá trị tinh thần rất lớn, giống như một kỷ vật nên không bao giờ phá dỡ, khi nào ngôi nhà không trụ được thì đành chịu. Về cơ bản, chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà", anh Hậu chia sẻ với Dân trí.
Cũng theo chú rể quê Ninh Bình, ngôi nhà mới của gia đình anh được xây dựng từ đầu năm 2022, kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng, tổng diện tích 3 sàn hơn 500m2. Đây là nơi sinh sống của bố mẹ và hai vợ chồng anh.
Câu chuyện anh Hậu chia sẻ khiến nhiều người không khỏi xúc động. Nhiều ý kiến cho rằng, khi kinh tế xã hội phát triển, đời sống hiện đại, hiếm có gia đình nào còn giữ được những mái nhà tranh.
Trải qua hàng chục năm, gia đình anh Hậu vẫn giữ được sự kết nối với thế hệ đi trước. Đó vừa là cách để những người thân trong gia đình nhớ về nhau, vừa là cách để thế hệ sau giữ đạo hiếu và giáo dục cho con cháu biết ghi nhớ công ơn tổ tiên.