Video chồng hướng dẫn vợ cách cho con bú sữa thu hút người xem

Huy Hoàng

(Dân trí) - Đoạn video ghi lại cảnh người đàn ông đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, hướng dẫn vợ cách cho con ti sữa đúng cách thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội nước này.

Tờ The Paper đưa tin, một người đàn ông giấu tên đến từ tỉnh Phúc Kiến thuộc miền đông nam Trung Quốc phát hiện vợ bế và con ti sữa không đúng cách nên đã lên mạng tự mày mò tìm hiểu. Sau đó, anh về và hướng dẫn vợ theo đúng tư thế chuẩn.

Được biết, em bé của cặp vợ chồng trẻ mới một tháng tuổi. Người mẹ cho biết cô bị thiếu sữa nên con thường xuyên phải dặm thêm sữa công thức, hiếm khi được ti sữa mẹ trực tiếp. Do con còn nhỏ chưa biết tự bú, người mẹ chưa có kinh nghiệm nên hai mẹ con khá vất vả vào giờ ăn.

Video chồng hướng dẫn vợ cách cho con bú sữa thu hút người xem  - 1
Chồng hướng dẫn vợ cách cho con bú sữa đúng cách (Ảnh: SCMP).

Vấn đề này khiến người chồng rất lo lắng. Anh đã lên mạng và hỏi thêm ý kiến nhiều người để tìm các phương pháp. Sau khi xem nhiều video, anh nhận thấy vợ đã bế con sai cách khiến em bé không thể tự bú sữa mẹ.

Đoạn video hiện đang "gây bão" trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong khi đó, người vợ xuất hiện trong clip còn nói đùa rằng "nếu có thể, chồng cô muốn tự cho con được ti sữa".

Những câu chuyện hài hước về cách nuôi dạy con cái hiện là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Hiện Trung Quốc đang chứng kiến tỷ lệ kết hôn mới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm. Đây là thông tin do hãng thông tấn Yicai trích dẫn số liệu thống kê của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc đưa ra. 

Các chuyên gia nhận định, những hạn chế phòng chống Covid-19, lo ngại về chi phí trẻ đi học và phí sinh hoạt cao được cho là một trong các lý do chính dẫn tới thực trạng sụt giảm tỷ lệ kết hôn ở nước này.

Khoảng 11,58 triệu người đăng ký kết hôn lần đầu ở Trung Quốc vào năm 2021, giảm 708.000 người so với năm trước đó. Theo ông Song Jian, chuyên gia đến từ trung tâm nghiên cứu dân số và phát triển tại Đại học nhân dân Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn giảm do độ tuổi kết hôn lần đầu cao hơn, chủ yếu do người dân tiếp cận với giáo dục đại học nhiều hơn và "người trẻ muốn tìm công việc ổn định trước khi kết hôn".