DMagazine

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ "tình phộc" ở miếu thiêng

(Dân trí) - Anh Chiến, chị Huyền có ba cậu con trai. Từ ngày đảm nhận nghi thức tâm linh quan trọng trong lễ hội, anh Chiến thấy cuộc sống gia đình khởi sắc, may mắn hơn, công việc làm ăn nhiều thuận lợi.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ "tình phộc" ở miếu thiêng

Anh Chiến, chị Huyền có ba cậu con trai. Từ ngày đảm nhận nghi thức tâm linh quan trọng trong lễ hội, anh Chiến thấy cuộc sống khởi sắc, may mắn hơn, công việc làm ăn nhiều thuận lợi.

Khắp xã Tứ Xã và các vùng lân cận ở huyện Lâm Thao, Phú Thọ, có lẽ không ai không biết tới vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990). Vợ chồng anh chị "nổi tiếng" theo một cách đặc biệt khi là hai nhân vật quan trọng thực hiện nghi thức "tình phộc" (mô tả các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao nam nữ) trong Lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã) suốt 8 năm qua.

Lễ hội Trò Trám hay còn gọi là lễ hội "Linh tinh tình phộc" tổ chức hằng năm vào đêm ngày 11 và sáng ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những lễ hội độc đáo có một không hai ở Việt Nam, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách địa phương tham gia.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 1

Lễ hội Trò Trám được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội tổ chức nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của dân cư nông nghiệp. Trong phần "lễ Mật", cặp vợ chồng được chọn như anh Chiến, chị Huyền sẽ có nhiệm vụ cầm Nõ và Nường (tượng trưng cho sinh thực khí của người nam và người nữ).

Người đàn ông lấy Nõ đâm vào chiếc Nường trong đêm tối sau tiếng hô "linh tinh tình phộc" của vị chủ tế. Theo quan niệm dân gian, ba lần đâm trúng sẽ có mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần trúng thì năm đó sẽ được mùa; một lần trúng là làm ăn kém.

Từ năm 2015 đến nay, anh Chiến chị Huyền đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong lễ hội độc nhất vô nhị này. Ít ai biết rằng, cuộc sống đời thường của cặp vợ chồng này cũng có khá nhiều chuyện thú vị khiến nhiều người mơ ước.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 2

Ngoài phần diễn "Tứ dân chi nghiệp", lễ hội còn có nhiều phần tế trang trọng, linh thiêng.

Nhiệm vụ đặc biệt với báu vật trong miếu thiêng

Nhà anh Chiến ở ngay sát miếu Trò. Từ nhỏ, anh đã chứng kiến nhiều buổi tế lễ của các cụ cao niên trong làng ở ngôi miếu thiêng. Năm 1993, khi Lễ hội Trò Trám được khôi phục trở lại, anh Chiến khi ấy là một thiếu niên 15 tuổi nên chẳng dám bén mảng vào chính điện xem phần "lễ Mật" diễn ra vào thời khắc chuyển giao giữa ngày 11 và ngày 12/1 âm lịch. Đến tuổi thanh niên, anh lại lo công tác phục vụ hậu cần nên cũng chỉ đứng "hóng" ngoài sân mỗi lần "lễ Mật".

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 3

Anh Chử Đức Chiến cảm thấy bất ngờ và lo lắng trước lời đề nghị tham gia làm "lễ Mật".

Chị Huyền cũng là người Tứ Xã. Mỗi lần đi xem hội ở miếu Trò, chị thường đứng ngoài xem các màn kịch dân gian. Phần lễ vào lúc 0h, chị chỉ nghe những người lớn tuổi trong làng kể lại.

"Hơn nữa, ngày trước, dân làng tâm niệm lễ này rất thiêng, đa phần chỉ những vị chức sắc trong làng và cặp vợ chồng được chọn mới tham dự. Linh vật Nõ và Nường được coi như báu vật của làng, cất giữ cẩn thận trong hộp và khóa kỹ tại miếu, mỗi năm chỉ được đưa ra ít phút trong "lễ Mật". Ngày thường, các vị cấp cao về có muốn xem cũng không được vì đó là lệ làng. Khi tiến hành lễ, đèn điện đều được tắt hết", anh Chiến kể.

Từ khi còn độc thân đến lúc mới lập gia đình, cả hai anh chị đều chỉ nghe kể về báu vật trong miếu thiêng. Họ chưa từng nghĩ, có ngày mình sẽ chạm tay vào báu vật ấy và đảm đương vị trí thực hiện phần nghi thức tâm linh quan trọng trong lễ hội.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 4

Chị Huyền có phần bạo dạn hơn. Chị động viên chồng nên nhận nhiệm vụ quan trọng này.

Anh Chiến vẫn nhớ như in ngày các cán bộ xã và vị trưởng khu, bí thư khu đến vận động vợ chồng anh làm chương trình "lễ Mật". Anh cảm thấy khá bất ngờ. Dù biết đây là một vinh dự nhưng người đàn ông này vẫn xin các vị lãnh đạo xã cho mình thời gian suy nghĩ.

 Anh Chiến bảo, anh hiểu rõ, khi nhận nhiệm vụ này, vợ chồng anh sẽ cùng nhau mô tả các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao giữa người nam và người nữ trong đêm tối ở miếu thiêng và trước ánh mắt tò mò của rất nhiều người.

"Thực sự tôi vừa lo, vừa ngại, vừa áp lực. Lo không biết mình có thể hoàn thành được nhiệm vụ không. Áp lực vì nhỡ mình nhận làm nhiệm vụ có yếu tố tâm linh này, mọi chuyện trong làng thuận chèo mát mái thì không sao, nhưng có chuyện gì mình lại thấy áy náy…

Vậy nên, tôi không nhận lời ngay mà xin khất các bác chờ đến khi mình lớn tuổi hơn chút nữa. Tôi cũng nhờ các bác đi chọn thêm xem có cặp vợ chồng nào phù hợp hơn không", anh Chiến kể.

Song có lẽ, thời điểm ấy không cặp vợ chồng nào phù hợp hơn vợ chồng anh Chiến khi cả hai đều có dung mạo tươi tắn, khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn, các bậc sinh thành đều mẫu mực, là gia đình văn hóa. Vợ chồng anh Chiến năm ấy (năm 2015) đã sinh được hai bé trai ngoan ngoãn, kháu khỉnh.

Sau một thời gian dài suy nghĩ, được sự động viên của gia đình và đặc biệt là từ người vợ tính tình có phần bạo dạn hơn, anh Chiến cũng nhận lời đề nghị đặc biệt. Vợ chồng anh sau đó được vị thủ từ của miếu hướng dẫn tỉ mỉ cách thực hiện nghi lễ trong 3 buổi.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 5
Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 6

Cả hai dành nhiều thời gian tập luyện trước mỗi lễ hội để hoàn thành nghi lễ thiêng của làng.

"Ngại lắm, muốn "nghỉ hưu" nhưng vẫn chưa được duyệt!"

Phần "lễ Mật" diễn ra mỗi năm chỉ một lần, mỗi lần chỉ chừng 15 phút. Nhiệm vụ của vợ chồng anh Chiến là xuất hiện sau phần tế của vị thủ từ và đâm Nõ vào Nường 3 lần trong khoảng thời gian chưa đến 1 phút. Tuy nhiên, vì đây là nhiệm vụ có ý nghĩa tâm linh đặc biệt lớn với cả nghìn người trong làng nên cả hai thường rất căng thẳng.

Năm đầu tiên, cả hai vợ chồng phải cùng nhau tập luyện rất nhiều lần. Họ ở trong phòng kín và tắt điện để mô tả đúng không gian buổi "lễ Mật". Anh Chiến cầm những đồ tượng trưng gần giống linh vật như dùi trống tập với vợ để hợp nhịp cho khớp với tiếng hô của chủ lễ.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 7
Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 8
Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 9
Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 10

Vợ chồng anh Chiến, chị Huyền khi thực hiện nghi thức "tình phộc" đêm lễ hội vừa qua.

"May mắn là năm đầu tiên và tất cả những năm sau đó, chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ, chưa lần nào đâm trượt. Trước đó, tôi nghe cũng từng người có người đâm trượt nên khá lo", anh Chiến chia sẻ.

Theo anh Chiến, mỗi lần cùng vợ tham gia nghi lễ này, ngoài việc tập trung tương tác tốt với chị Huyền, anh còn luôn phải chú ý che chắn cho vợ. Lý do là bởi khi tắt đèn cũng có một số bàn tay lạ tò mò, đụng chạm hoặc muốn vòng tay khoác vai vợ anh. "Mọi người có thể không có ý xấu. Khi đó họ coi vợ chồng tôi như những người đại diện cho sự may mắn nên muốn chạm vào để lấy may. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn bảo về vợ mình", anh Chiến nói.

Kể về kỉ niệm đáng nhớ nhất, anh Chiến cho hay, năm 2019, khi mới xây lại miếu Trò, khách thập phương kéo đến xem lễ hội rất đông. Khi làm lễ, mọi người dồn nhau đứng sát vào vợ chồng anh, không gian lúc ấy càng bị bó hẹp lại.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 11

Nghi lễ này luôn thu hút ánh mắt tò mò của hàng trăm người.

Anh Chiến run và hồi hộp hơn hẳn những năm trước vì chỉ sợ mình đâm trượt sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của bà con dân làng trong một năm. Nhưng may mắn anh đã hoàn thành tốt cả ba lần đâm. 

Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làng không tổ chức hội, vợ chồng anh Chiến tưởng sẽ ngừng luôn cả phần lễ nên đi ngủ từ chập tối 11 âm lịch. Đến nửa đêm, cả hai nhận được điện thoại yêu cầu hỏa tốc vào miếu làm lễ.

"Năm ngoái chúng tôi vẫn tập duyệt cẩn thận, nhưng đến sát ngày do có sự hiểu lầm trong việc truyền đạt nên nghĩ rằng sẽ không diễn ra "lễ Mật". Đến phút chót, chúng tôi mới nháo nhào vào miếu. Dù có hơi luống cuống nhưng may là vẫn nghe thấy tiếng phập chứ không phải tiếng cắc, cắc là bị trượt", chị Huyền nhớ lại.

Năm 2023 này là năm thứ 8 vợ chồng anh đảm nhận vị trí cầm Nõ và Nường trong "lễ Mật". Những cặp đôi trước đó chỉ thực hiện nhiệm vụ này trong 3 hoặc 4 năm. Vậy nên, nhiều lần anh Chiến rất muốn nhường lại nhiệm vụ cho cặp nam nữ khác, để đảm bảo cho lễ hội diễn ra hấp dẫn, tránh nhàm chán cho người tham dự.

"Chúng tôi nhiều lần xin được "nghỉ hưu" nhưng các vị chức sắc trong xã trong làng chưa đồng ý, bảo "chưa nghỉ được". Suốt nhiều năm nay cũng không có đôi nào chịu làm vì... ngại. Như vợ chồng tôi, đến giờ vẫn bị người làng trêu", chị Huyền tủm tỉm nói.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 12
Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 13
Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 14

Cuộc sống khởi sắc, được nhiều người nhờ xông đất, mượn tuổi làm nhà

Ngoài 30 tuổi, anh Chiến mới lập gia đình với người vợ kém mình một giáp qua mai mối. Chuyện tình lệch tuổi nhanh chóng đi đến hạnh phúc bằng một đám cưới đầm ấm. Cả hai đón hai ba cậu con trai lần lượt vào các năm 2012, 2013 và 2019.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 15

Cặp đôi kết hôn năm 2010.

Vốn là con trai cả trong gia đình có ba anh em, anh Chiến phải bươn chải nhiều nghề. Anh từng đi vào tận Cần Thơ xa xôi để làm thuê kiếm sống. Có khi anh nay đây mai đó theo các công trình xây dựng.

Cuộc sống của anh chỉ thực sự ổn định khi tìm được người bạn đời là chị Bùi Thị Thanh Huyền. Cả hai kết hôn và ít năm sau thì mở một quán ăn nhỏ ở địa phương. Chị Huyền tháo vát, anh Chiến lại giỏi nấu nướng, chế biến món ăn nên được nhiều khách hàng ủng hộ.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 16
Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 17

Đặc biệt, từ khi được tín nhiệm "chọn mặt gửi vàng", làm nhiệm vụ "lễ Mật", anh Chiến thấy cuộc sống của mình khởi sắc, gặp nhiều may mắn hơn, công việc làm ăn có phần thuận lợi, không còn cảnh nay đây mai đó, gia đình yên ấm.

"Đôi khi vợ chồng tôi cũng không tránh khỏi những lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng nghĩ đến ý nghĩa của nghi lễ trong miếu thiêng, mình cũng tự ý thức phải tìm cách để vợ chồng hòa thuận, gìn giữ tình cảm", anh Chiến nói.

Cuộc sống của cặp vợ chồng 8 lần làm lễ tình phộc ở miếu thiêng - 18

Không chỉ được tín nhiệm làm nghi lễ thiêng, anh Chiến còn được nhiều người trong làng nhờ xông đất mỗi lần dịp năm mới hoặc mượn tuổi làm nhà. Có lẽ, vì tin anh là người "tốt vía", may mắn nên nhiều người làng đã nhờ anh làm những việc có ý nghĩa tinh thần quan trọng này. Khi được ai nhờ, anh đều vui vẻ đồng ý.

Anh Chiến chia sẻ: "Giao thừa năm Quý Mão 2023 vừa rồi tôi xông đất cho 3 nhà. Tôi tâm niệm giúp được ai chuyện gì thì giúp, miễn là mọi người nhẹ nhõm và an tâm về mặt tinh thần".

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ