Vì sao các siêu lừa thường sử dụng chiêu "thao túng tâm lý"?
(Dân trí) - Thao túng tâm lý trở thành lệch chuẩn, thậm chí cấu thành tội phạm khi nó xảy ra thường xuyên, bị đẩy lên mức cực đoan. Khi đó, người bị thao túng phải "bẻ cong" những giới hạn của mình.
"Kỹ thuật" bóp méo tinh thần, bóc lột tình cảm
Những ngày qua, cụm từ "thao túng tâm lý" được nhiều người nhắc đi nhắc lại khi đề cập đến các vụ lừa đảo hoặc nghi lừa đảo.
Gần đây nhất là vụ người phụ nữ tên L. (ở TPHCM) tố cô gái tên V. A (27 tuổi, quê huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) chiếm đoạt 17 tỷ đồng của gia đình chị này.
Trong nhiều bài viết, video, chị L. liên tục khẳng định, V. A đã "thao túng tâm lý" những người thân của chị, tiếp cận gia đình chị với vẻ ngoài giàu sang, hào nhoáng từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo.
Trên mạng xã hội, nhiều người lập tức bám "trend" và đưa ra những lý giải khác nhau về thuật ngữ này. Những bài viết chỉ ra "dấu hiệu bị thao túng tâm lý", "tuyệt chiêu để không trở thành nạn nhân bị thao túng tâm lý"… được chia sẻ và nhận về không ít lượt xem, bình luận.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lý giải rõ hơn về hành vi thao túng tâm lý và lý do vì sao nó thường gắn liền với các vụ lừa đảo.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, thao túng tâm lý thường được định nghĩa là một loạt hành vi có chủ đích, được lên kế hoạch để kiểm soát một số tình huống hoặc hành vi phản ứng của một ai đó.
Vị chuyên gia phân tích cụ thể: Vì lợi ích của bản thân, mỗi người đều từng cố gắng tác động đến tình huống hoặc tâm lý, hành vi của người khác bằng cách đe dọa kết thúc mối quan hệ, trở nên hung hăng, mất kiểm soát khi bị từ chối. Bản thân thậm chí còn trở nên yếu đuối, phụ thuộc quá mức hoặc giả bệnh tật để được chú ý và yêu cầu hỗ trợ một cách quá nhiều.
Chẳng hạn, trong mối quan hệ tình cảm, người nam hay người nữ sẽ gặp những câu nói kiểu: "Anh nợ em cả đời vì em đã làm điều X cho anh", "Nếu anh rời đi, em sẽ tự sát", "Anh phải có trách nhiệm cùng em lo khoản nợ này vì chúng mình đã quan hệ với nhau như vợ chồng"…
Thao túng tâm lý trở thành lệch chuẩn, thậm chí cấu thành tội phạm khi nó xảy ra thường xuyên, lặp đi lặp lại, bị đẩy lên mức cực đoan. Khi đó, người bị thao túng phải "bẻ cong" những giới hạn của mình. Chẳng hạn, họ sẽ cho vay tiền khi bản thân không thoải mái, vẫn sử dụng dịch vụ dẫu còn nghi ngờ về điều này.
PGS. TS Trần Thành Nam cũng chỉ ra một số kiểu thao túng tâm lý phổ biến. Đầu tiên, ông nhắc tới kiểu thao túng bằng cách "bắt nạt trí tuệ". Kẻ thao túng sẽ khiến nạn nhân lầm tưởng họ rất am hiểu trong một lĩnh vực.
Họ áp đặt các dữ liệu về những khía cạnh mà nạn nhân ít biết để từ đó dẫn dắt nạn nhân vào kế hoạch huy động vốn một cách dễ dàng và thuyết phục hơn. Rất nhiều người đã bị mắc bẫy vì cảm thấy mình đang đi theo những người vượt trội về mặt trí tuệ và chắc chắn mình sẽ thành công.
Một số kẻ thao túng lại làm nạn nhân choáng ngợp với các thủ tục hành chính rắc rối của một bộ máy quan liêu. Qua đó, họ thể hiện bản thân có nhiều mối quan hệ quan trọng có thể giải quyết được mọi chuyện. Những kẻ thao túng luôn gây áp lực về thời gian khiến nạn nhân phải nhanh chóng đưa ra quyết định.
Kẻ thao túng cũng có thể giả "nai tơ" cố tình ngu ngơ, yếu đuối, phóng đại các bệnh tật tưởng tượng, dằn dỗi ăn vạ như trẻ con để tạo nên sự phụ thuộc.
Điều này khiến những nạn nhân tự cảm thấy phải gánh trách nhiệm nâng đỡ, cảm thông và phải tự đi giải quyết những "rắc rối" do kẻ thao túng đã dại dột gây ra, giống như cha mẹ phải có trách nhiệm đi giải quyết hậu quả cho những đứa con hỗn láo.
"Có thể thấy thao túng tâm lý là những kỹ thuật tâm lý làm bóp méo tinh thần, bóc lột tình cảm của người khác với những động cơ chiếm đoạt quyền lực, sự kiểm soát, những lợi ích, đặc quyền và trả nó bằng cái giá của nạn nhân", PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Những ai dễ bị thao túng tâm lý?
Theo Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, những người dễ bị thao túng tâm lý là những người mà tư duy có tính ám thị cao. Họ dễ tin, dễ bị dẫn dắt bởi những người khác. Họ không có tư duy phản biện tốt nên dễ bị choáng ngợp và tin tưởng trước những thông tin ở trong lĩnh vực họ ít hiểu biết.
Trong cuộc sống đầy áp lực và căng thẳng, mỗi người thường phản ứng trước stress theo ba cách: Hung hăng (fight), né tránh (flight), tê liệt hay trở nên vô cảm (frezee). Ngoài ra, còn một phản ứng khác tạm dịch là "luồn cúi" (fawn).
Một số người luôn phản ứng theo kiểu sẵn sàng từ bỏ nhu cầu của bản thân để phục vụ người khác để tránh các xung đột, chỉ trích hoặc sự phản đối. Về cơ bản họ là kiểu người luôn "làm vui lòng và xoa dịu" trong các mối quan hệ để cảm thấy mình có giá trị.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, những nạn nhân của thao túng tâm lý thường trải qua một tuổi thơ bị phụ thuộc vào phong cách nuôi dạy độc đoán của cha mẹ khiến họ phải theo đuổi một nghề nghiệp nhất định chủ yếu để làm vui lòng cha mẹ.
Họ không dám nói về sở thích của mình. Họ đã phải bỏ lỡ các cơ hội để có thể chăm sóc người khác. Nhiều khi, họ thậm chí khen ngợi "kẻ bạo hành" để xoa dịu họ, mặc dù chính họ là nạn nhân.
Trong những tình huống bị thao túng, họ tiếp tục hành xử theo cách chiều theo kẻ thao túng, còn cộng đồng thì lại nhìn nhận đó là thể hiện của lòng vị tha, nhân hậu hay từ bi. Đây là một sự nhầm lẫn khiến xã hội càng nhiều người trở thành nạn nhân của thao túng hơn. Mỗi người trong chúng ta phải tránh điều này.
"Trong một thực nghiệm xã hội được tiến hành tại trường Đại học tổng hợp Vanderbilt (bang Tennessee Hoa Kỳ), nơi tôi từng theo học, người ta đã chứng minh những người trong cuộc nhiều lúc rơi vào trạng thái "mù" với tất cả những gì xảy ra vốn rất hiển nhiên, rõ ràng với những người khác.
Thực nghiệm được tiến hành với một anh "cò" giả vờ hỏi đường một giáo sư trường đại học. Trong lúc giáo sư chỉ đường, một nghiên cứu viên cầm tấm bảng gỗ đi ngang qua và người hỏi đường ban đầu được tráo đổi bởi một anh "cò" khác.
Rất nhiều giáo sư thông minh lỗi lạc trong thực nghiệm này đã không nhận ra có sự tráo đổi người. Vẫn tiếp tục chỉ đường cho người mới. Họ đã không nhận ra anh cò thứ nhất và thứ hai có sự khác nhau về trang phục, kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, đầu tóc…".
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, đó chính là những "điểm mù" mà kẻ thao túng tâm lý hay lợi dụng để khiến chúng ta mắc bẫy. Trong đời thực, những nhà ảo thuật cũng thường là bậc thầy trong việc dẫn dắt sự chú ý và tạo "điểm mù" cho công chúng để thực hiện các tiết mục ảo thuật ấn tượng của mình.
Làm thế nào để ứng phó với những hành vi thao túng tâm lý?
Để chống lại hành vi thao túng tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, mỗi người cần có một "tư duy phản biện", phải luôn nhận ra rằng không thể yêu cầu bất kỳ ai (kể cả bản thân mình) thay đổi hành vi khi vẫn còn một điều gì đó mà cả hai đều không hiểu.
Hãy tự nhắc nhở bản thân rằng những người gần với ta có thể đang thực hiện hành vi thao túng và bắt chúng ta phải thấy có nhiều trách nhiệm hơn nữa với họ.
Tiếp đến, hãy luôn ý thức rõ giới hạn mà bản thân có thể chấp nhận được. Ví dụ liên quan đến tài chính, hãy luôn ý thức về giới hạn số tiền mà bạn muốn cho chứ không phải giới hạn về số tiền mà người kia yêu cầu vì nó luôn luôn là "vô đáy".
Khi đó bạn có thể nói: "Anh không thể cung cấp cho em tất cả những điều em muốn. Nếu em cảm thấy điều này là không thể chịu đựng được, anh nghĩ em nên đi gặp một nhà tâm lý để trị liệu" hoặc "Anh không muốn có một kỷ lục nữa về khoản vay lại bị xô đổ. Anh sẽ không nói về điều này nữa vì nó bắt buộc anh phải chọn phe giữa hai chúng ta".
"Bản thân chúng ta đôi khi hành xử chỉ vì chúng ta cảm thấy áy náy. Những người thao túng tâm lý luôn tìm cách đẩy chúng ta vào trạng thái "áy náy". Vì vậy, hãy luôn đặt câu hỏi xem liệu người kia có đang cố tình nói dối mình điều gì đó, họ có đang khiến bạn phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc của họ, còn họ thì chẳng bao giờ thay đổi hành vi của mình.
Những kẻ thao túng chỉ ngừng hung hăng, tấn công, càm ràm khi bạn ngừng tranh cãi và phục tùng họ. Khi nhận ra điều đó, cách tốt nhất là hãy cứ xem họ như "người từ hành tinh khác" đến. Hãy cứ bình tĩnh, nghiên cứu mục đích của họ đằng sau lời nói, hành vi một cách tò mò, không trách móc và đừng vội vàng đưa ra quyết định nào cả", PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.