Vào mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer

Huỳnh Hải Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo là một trong những lễ hội lớn trong năm và cũng là hoạt động văn hóa, thể thao có ý nghĩa đặc biệt của đồng bào dân tộc Khmer.

Tối 13/11, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI năm 2024 chính thức khai mạc tại tỉnh Sóc Trăng, với chủ đề "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển".

Đây là một trong những lễ hội lớn trong năm và cũng là hoạt động văn hóa, thể thao thể hiện tính cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Khmer.

Vào mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer - 1

Sân khấu khai mạc lễ hội nổi bật với hình ảnh ngôi chùa Khmer (Ảnh: Huỳnh Hải).

Chương trình nghệ thuật khai mạc "hội tụ bản sắc" và "Sóc Trăng - Muôn sắc phương Nam" diễn ra trong không khí rộn ràng, với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng và đoàn nghệ thuật Khmer địa phương. 

Oóc Om Bóc nghĩa là "út cốm dẹp". Đây là một nghi lễ nông nghiệp của cư dân người Khmer nói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng được tổ chức hàng năm vào ngày 15/10 âm lịch. Lễ tưởng nhớ đến công ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi là một vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, đã giúp cho con người làm ăn khá giả trong năm.

Lễ Oóc Om Bóc thường rơi vào ngày cuối của mùa hạ và cũng là thời gian thu hoạch mùa màng, hoa màu đủ loại, trong đó có lúa nếp là sớm nhất. Để nhớ ơn vị thần có ảnh hưởng đến mùa màng, họ lấy lúa nếp đâm thành cốm dẹp cùng với các loại hoa trái khác cúng mặt trăng để tỏ lòng biết ơn vị thần. Kết thúc buổi lễ, bà con được mời dùng những thức cúng, còn nam, nữ thanh niên múa hát, vui chơi dưới ánh trăng rằm.

Vào mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer - 2

Biểu diễn hình ảnh đua ghe ngo (Ảnh: Huỳnh Hải).

Tại lễ khai mạc, tổ chức kỷ lục Việt Nam chính thức trao quyết định và bằng công nhận "Chương trình trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam" đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng.

Kỷ lục này có 20 dàn nhạc ngũ âm cùng 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên tham gia trình diễn.

Vào mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer - 3

Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập "Chương trình trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam" đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Nhạc ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của nguời Khmer Nam Bộ. Trải qua quá trình hình thành tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị, ý nghĩa to lớn.

Việc xác lập kỷ lục sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa của địa phương đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Vào mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer - 4

Trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: Xuân Lương).

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh nhằm tôn vinh những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

"Thông qua các hoạt động của lễ hội, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng quý đại biểu và du khách gần xa. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc; tăng cường quảng bá, liên kết hợp tác để phát triển về du lịch", ông Khởi chia sẻ.

Lễ hội diễn ra từ ngày 9 đến hết ngày 15/11. Cũng trong thời gian này, tỉnh Sóc Trăng đồng thời tổ chức Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Sóc Trăng lần thứ I.

Lễ hội có một số hoạt động chính như: Lễ khai mạc; giải đua ghe ngo; lễ cúng trăng; trình diễn thả đèn nước và ghe Cà Hâu; hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc; hội chợ và các đặc sản vùng miền; liên hoan ẩm thực đường phố;...