Tuổi thơ bị ám ảnh bởi câu nói “cho con ra rìa”

Từ ngày có con thứ, cả gia đình bận vây quanh chăm sóc em bé, không chú ý tới những thay đổi ở cô con gái đầu lòng. Bi kịch đã xảy ra khi cô bé nghĩ mình bị bố mẹ “cho ra rìa”.

Mới đây, một cô bé 8 tuổi đã ném em trai 2 tháng tuổi của mình từ ban công tầng 8 xuống đất khiến cậu bé tử vọng. Bi kịch xảy ra trong gia đình chị Điền ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Hai tháng trước, vợ chồng chị Điền vô cùng vui mừng khi sinh được bé trai nặng gần 3kg. Từ ngày có con thứ, cả gia đình bận vây quanh chăm sóc em bé nên không chú ý tới những thay đổi ở cô con gái đầu lòng 8 tuổi. Mỗi ngày đi học về, cô bé thường thấy thấy tủi thân vì có cảm giác không ai quan tâm tới mình.

Vài ngày trước, bà hàng xóm đón cô bé từ trường về và trên đường đi người này đã nói đùa rằng “Cháu ‘ra rìa’ rồi vì bố mẹ đã có em trai”. Ngay lập tức, cô bé khóc nức nở. Người hàng xóm không ngờ câu nói đùa này chính là ngòi nổ gây họa.

Ngày hôm sau, trong lúc chị Điều vào phòng tắm, nhờ con gái trông em một lúc, tai họa đã xảy ra. Vừa vào nhà vệ sinh thì chị Điền nghe thấy một âm thanh kinh hoàng. Chạy ra, chị thấy con gái lớn đang khóc. Cô bé hoảng sợ nhìn xuống dưới tòa nhà và bé run rẩy nói trong nước mắt: “Mẹ có em rồi, mẹ không yêu con nữa. Con đã ném em xuống dưới kia rồi”. Người mẹ đã khóc ngất trước nỗi đau quá lớn với gia đình chị.


“Có em bé, con bị ra rìa rồi” là câu nói đùa tai hại nhưng lại là câu cửa miệng của nhiều người.

“Có em bé, con bị ra rìa rồi” là câu nói đùa tai hại nhưng lại là câu cửa miệng của nhiều người.

Ám ảnh đến khi trưởng thành

Những lời nói đùa cho “vui miệng” của người lớn đôi khi lại trở thành nỗi ám ảnh, làm tổn thương tâm hồn của trẻ bởi chúng tin lời người lớn nói là thật. Những câu “cửa miệng” của cha mẹ khi thấy con hư, con nghịch như “Mẹ không yêu con nữa”, “Mẹ ghét con”, “Chị Bông hư, mẹ chỉ yêu em Bi thôi”…sẽ khiến đứa trẻ thấy tủi thân, tạo những cảm xúc tiêu cực ở trẻ.

Nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự dứt, ám ảnh đến khi trưởng thành vì những câu nói đùa vô tâm của người lớn.

Chị Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) kể: “Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác uất ức và buồn khi những người họ hàng nói rằng bố mẹ tôi sinh thêm con trai và cho chị em tôi ra rìa. Dù thực tế bố mẹ tôi không có ý định sinh thêm con mà chỉ muốn nuôi nấng 3 chị em thật tốt. Nhưng mỗi lần gặp họ hàng, họ lại trêu như vậy, họ cười phớ lớ mỗi lần thấy tôi nổi khùng lên nhất quyết bảo bố mẹ luôn yêu thương chúng tôi”.

Còn chị Nga, quê Hưng Yên, giờ đây đã làm mẹ rồi vẫn không quên cảm giác bị hàng xóm trêu “bị ra rìa” vì mẹ có em trai.

“Hồi còn nhỏ, khi mẹ mình mới sinh em, mình cũng thường bị hàng xóm trêu câu này, tức chảy nước mắt luôn. Có lần bố mẹ cho em đi tiêm phòng, mình đòi theo bằng được nhưng mẹ không cho đi mà đưa mình sang gửi hàng xóm, bà hàng xóm bảo “thấy chưa, bố mẹ chỉ yêu em thôi, mày bị ra rìa rồi”, mình ngồi khóc cả vài tiếng đồng hồ cho đến lúc ngủ thiếp đi. Đến khi bố sang bế về nhà mình vẫn cứ mê man nói nhảm “con không ra rìa, con không ra rìa”. Trẻ con là thế, mọi lời nói của người lớn chúng đều tưởng là thật. Nói đùa kiểu này thật là tàn nhẫn, độc ác với trẻ nhỏ”, chị Nga chia sẻ.

Còn anh Trường, 28 tuổi, đến giờ vẫn nhớ tuổi thơ sống trong sự ám ảnh bởi mặc cảm không phải con của bố mẹ. Anh đã từng có suy nghĩ bỏ nhà ra đi để được gặp bố mẹ thật, được yêu thương như các chị em khác cũng chỉ vì câu nói đùa của cha mẹ.

“Ngày nhỏ tôi nghịch lắm, cứ mỗi lần nghịch là bố mẹ lại bảo không phải con của bố mẹ, không phải giống của nhà này nên mới nghịch như thế. Tôi tủi thân lắm. Mỗi lần bố mẹ đánh tôi, hay mua đồ gì mới cho các chị là tôi lại thấy ghen tị và thầm nghĩ tôi không phải con ruột nên bố mẹ không thương, chỉ thương các chị thôi.

Năm 11 tuổi tôi đã bỏ nhà ra đi với cái suy nghĩ tìm bố mẹ thật để được yêu thương hơn. Tôi đâm ra ghét các chị em trong nhà và thu mình lại. Cho đến khi trưởng thành, hiểu đó chỉ là lời nói đùa, mối quan hệ của tôi với các chị vẫn không thể cởi mở như chị em nhà khác vì đã có một khoảng cách rất xa”, anh Trường chia sẻ.

“Người lớn nên quan tâm đến cảm nhận của trẻ nhỏ. Đừng đem tình yêu thương ra đùa, nhất là với niềm tin trong sáng của trẻ, chúng sẽ tin đó là thật. Đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm. Sống với tinh thần bất ổn như thế quả thật rất tội nghiệp”, anh Trường nói thêm.

Theo Vietnamnet