Tục giật cô hồn ở TPHCM: Trăm người tranh tiền, chủ nhà mong bị cướp
(Dân trí) - Phong tục "Giật cô hồn" thường được diễn ra tại TPHCM nói riêng, miền Nam nói chung, trong đó chủ nhà sẽ sử dụng đồ ăn, vật phẩm, tiền bạc để ban phát cho những linh hồn vất vưởng.
Phong tục đặc biệt của người Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung
Theo phong tục của người Việt Nam, rằm tháng 7 là ngày rằm lớn nhất trong năm, thường có tên gọi khác như ngày "Xá tội vong nhân", "Lễ Vu Lan". Tại TPHCM nói riêng và miền Nam nói chung, ngoài những phong tục chính, trong suốt tháng này sẽ thường xuyên diễn ra tục "Giật cô hồn".
Theo tục này, gia chủ sẽ bày mâm cúng và tiền bạc. Sau khi tàn nhang thì người qua đường có thể "giật" nhằm tạo sự may mắn cho gia đình đồng thời chia sẻ với những người khuất mặt.
Ngày nay với sự phát triển nên tại các thành phố lớn, mâm cúng đã trở nên thịnh soạn. Đặc biệt, với các gia chủ có điều kiện kinh tế, làm ăn, kinh doanh… họ thường xuyên tổ chức hoạt động phát tiền qua cửa sổ khiến đường phố trở nên vô cùng náo nhiệt.
"Mọi người sẽ thi nhau giật nhiều đồ nhất, mặc dù có thể giật ngay cả lúc đang cúng nhưng gia chủ vẫn vui vẻ vì đây gọi là may mắn, có giật mới có hên", bà Nguyễn Thị Thảo (69 tuổi, một người Hoa sống tại quận 8, TPHCM) nói.
Mỗi năm, gia đình bà Thảo luôn thực hiện nghi lễ "giật cô hồn" vào đúng rằm 15/7. Bà Thảo sẽ chuẩn bị mâm cúng gồm mía, đậu phộng, khoai lang, bánh cúng, bánh cấp, cờ cho vị tướng dẫn đầu cô hồn và một phần tiền cho những người đã khuất.
Toàn bộ mâm cúng được thực hiện trước cửa nhà, và sau khi cúng kiếng xong, bà luôn mong mỏi có người đến giật nhằm chứng tấm lòng và mang lại may mắn.
"Có nhiều nhà rải tiền trên cao nếu họ kinh doanh, làm ăn. Từ hàng chục năm nay, vào tháng 7 đường phố Sài Gòn rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, gần đây vì nhiều nhà phân phát số tiền lớn, hàng chục triệu đồng nên dân cũng chuẩn bị bao bố, vợt, kêu gọi người thân đến cùng tham dự gây bát nháo", bà Thảo nói.
"Giật cô hồn" bắt nguồn từ đâu?
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (nguyên giảng viên khoa văn học ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), "giật cô hồn" là cách nói gọn của cụm từ "giật đồ cúng cô hồn".
Tục này bắt đầu từ nghi thức Vu lan bồn (Lễ Vu lan) trong Phật giáo. Ban đầu nó chỉ là động tác trẻ em lấy nhanh các đồ cúng và chạy ào đi.
Nguồn gốc được Vu lan bồn kinh ghi lại việc Mục Kiền Liên tu hạnh, thành đệ tử thân cận Đức Phật. Khi thấy mẹ mình là bà Thanh Đề chịu cảnh đày, Mục Kiền Liên muốn cứu độ cho mẹ siêu thoát liền hỏi Đức Phật. Đức Phật bày cho vào kỳ tự tứ (ngày lễ quan trọng trong Phật giáo), các tăng ni ra về thì hãy dọn 500 mâm lễ đặt ở 10 phương, các chư tăng chứng cho thì cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo và mẹ ngài được siêu sinh.
"Về sau, nghi thức cúng tế này dành cho những người chết bất đắc kỳ tử vì chiến tranh, hoạn nạn. Pháp giáo đã tiếp biến nghi thức này làm thành một loại nghi quĩ của mình mà trọng tâm là đề cao đạo hiếu", ông Vĩ nói.
Mâm cỗ cô hồn tháng 7 truyền thống gồm mâm ngũ quả đúng như lời Phật dạy Mục Kiền Liên, bao gồm quả có vỏ, quả có vỏ sần sùi, quả có hạt, quả có múi, quả có góc cạnh. Thế nhưng, hiện nay, tùy địa phương ứng dụng mà có đồ cúng khác nhau.
"Bên cạnh quả là đồ chay, ngoài ra là cỗ mặn nếu kết hợp cúng gia tiên cho ông bà tổ tiên về hâm hưởng", chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ nói.
Về phong tục "giật cô hồn", ông Vĩ cho biết hầu hết Bắc Bộ không có, chủ yếu là ở Nam Bộ.
Lý giải về chuyện này, vị chuyên gia nói, khi xưa thành phần giật là trẻ em, đối tượng giật là hoa quả, không gian giật là mâm cúng ngoài ngõ. Tại Bắc Bộ vì cư dân đã sống ổn định lâu dài, ý thức gia đình riêng đậm đà, nhà thì tường cao cổng kín, ngõ thì rào rậm lũy dày, thậm chí cúng ngoài trời thì người ta cúng trong dân, đó là khi không có hoạt động chơi của trẻ con nên không thể xảy ra hiện tượng này.
Ngược lại, từ miền Trung vào là đất mới, cư dân sống ở đây phóng khoáng và chân hòa, nương tựa, cứu giúp lẫn nhau, người này sang nhà người kia không cần lễ thức nhiều, trẻ con đông vì mỗi nhà sinh sáu bảy tám đứa, chúng ùa đi như đàn chim sẻ nên tục "giật cô hồn" thường xuyên diễn ra.
Hiện nay, với nhiều biến tướng trong quá trình tranh giành, cướp đồ cúng, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho biết là do quan niệm đồ cúng càng đầy, phân phát càng nhiều tiền để thu hút người đến giật thì sẽ có được nhiều lộc nên trong mâm cúng cô hồn một số người cúng cả heo quay, gà quay… và sử dụng rất nhiều tiền thật, thậm chí là những tập tiền mệnh giá lớn.
"Vì vậy, người đi giật cô hồn không chỉ là trẻ con mà là một đội quân hùng hậu thanh niên trai tráng với đầy đủ phương tiện, dụng cụ, tạo hình ảnh đám đông đến tranh giành, cướp bóc rất phản cảm, thậm chí cướp luôn đồ lễ khi gia chủ chưa kịp cúng", ông Cương nói.
Theo vị chuyên gia phong thủy, đây là quan niệm không đúng, thể hiện tâm lý ganh đua, tham lam của một số người cúng lễ và cũng kích thích lòng tham của những người đến cướp cô hồn.
"Để giải quyết vấn đề này thì cần tuyên truyền cho người dân hiểu đúng giá trị của tục cúng cô hồn và giật cô hồn để có cách ứng xử cho phù hợp. Ông bà chúng ta luôn tâm niệm "lễ bạc lòng thành", tức là lễ vật gì không quan trọng bằng cái tâm của người dâng cúng.
Cả người cúng cô hồn và người giật cô hồn cần phải hiểu được rằng họ đang tham gia vào một hoạt động mang tính tâm linh để cầu lành tránh dữ, mang lại giá trị tinh thần là chính chứ không phải giá trị vật chất", vị chuyên gia phong thủy nói thêm.