Từ chuyện mỗi nhà có 3 thùng rác cho tới việc ngồi tù nếu vứt rác bừa bãi

Huy Hoàng

(Dân trí) - Việc phân loại rác thải từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của nhiều thành phố lớn trên thế giới, ăn sâu vào tiềm thức của người dân để trở thành thói quen hàng ngày.

Nếu như việc phân loại rác thải vẫn còn là điều khá mới mẻ với người dân Việt Nam, thì ở nhiều nước trên thế giới, việc này đã áp dụng và thực hiện từ lâu.

Phân loại rác thải trong các chung cư thế nào cho đúng?

Câu chuyện về mỗi nhà có 3 thùng rác

Tại Canada, mỗi năm ít nhất khoảng 25 triệu tấn rác thải ra môi trường, trong đó, 15 triệu là các chất thải rắn sinh hoạt. Việc phân loại rác ở đây được áp dụng từ lâu. Theo đó, mỗi gia đình sẽ có 3 thùng rác chuyên dụng với những màu sắc khác nhau để tiện việc phân biệt. Thông thường, chất thải được chia thành các loại như sau.

Chất hữu cơ tái chế thành phân bón, gồm các loại thức ăn thừa, các loại thực phẩm... Loại này thường để trong thùng màu xanh lá cây.

Các loại có thể tái chế, gồm đồ nhựa, kim loại, thủy tinh... Loại này để trong thùng xanh tím than.

Đồ phế thải, gồm những thứ còn lại, trong đó có cả các vật dụng như đồ gia dụng, đồ cũ của trẻ nhỏ... Loại này để trong thùng màu ghi.

Từ chuyện mỗi nhà có 3 thùng rác cho tới việc ngồi tù nếu vứt rác bừa bãi - 1
Thùng chứa rác ở Canada (Ảnh: The Globe and Mail).

Số liệu từ cục thống kê Canada cho thấy, mỗi năm nước này tốn khoảng 3,3 tỷ đôla Canada cho các dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó, khoảng 1,1 tỷ đôla Canada dành cho việc thu gom và vận chuyển. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ tái chế rác thải thuộc Top cao nhất thế giới. Số liệu năm 2016 cho thấy, con số này vào khoảng 35%. Trong khi đó tại Mỹ, tỷ lệ tái chế khoảng 26%.

Theo Giáo sư Hanspeter Schreier đến từ Đại học British Columbia, việc thu gom rác do chính quyền thành phố quyết định, chọn đơn vị trúng thầu. Những đơn vị này không được quyền xử phạt người dân không phân loại rác, nhưng họ có quyền không thu gom những thùng không được phân loại chuẩn, cẩn thận.

Phạt nặng tay, thậm chí bỏ tù nếu xả thải bừa bãi

Một trong những quốc gia xử lý rác thải hiệu quả nhất thế giới phải kể tới Nhật Bản. Đây là nơi rác thải được phân loại chi tiết và tỉ mỉ từ các hộ gia đình. Điều này góp phần rất lớn trong chuỗi hệ thống xử lý rác.

Mỗi thành phố, khu vực, lại có cách phân loại khác nhau, nhưng về cơ bản, rác ở đây được phân thành 4 loại chính, gồm rác đốt được, rác không đốt được, rác nguyên liệu và rác thải cỡ lớn.

Loại rác phổ biến nhất là rác đốt được. Chúng thường là rác thải từ nhà bếp, giấy vụn, quần áo cũ... Chúng được thu gom theo từng túi riêng, buộc vào một túi chung. Loại này sẽ thu gom với tần suất 2 lần/tuần.

Từ chuyện mỗi nhà có 3 thùng rác cho tới việc ngồi tù nếu vứt rác bừa bãi - 2
Nhật Bản là một trong những nước xử lý rác hiệu quả nhất thế giới (Ảnh: WK).

Rác không đốt được gồm thủy tinh, kim loại, pin khô, đồ gốm sứ... Do loại này không phổ biến nên sẽ thu gom với tần suất một tháng/lần.

Rác nguyên liệu là chai lọ thủy tinh, lon nước, báo, thùng carton... Chúng được thu gom mỗi tuần/lần. Các lon nước qua sử dụng được khuyến cáo nên tráng qua nước sạch trước khi vứt, tránh gây mùi khó chịu do bị để lâu.

Rác thải cỡ lớn gồm đồ gia dụng, chăn nệm, đồ chơi trẻ em cỡ lớn... Khi đổ loại rác này, người dân phải đăng ký trước và phải trả chi phí tùy theo kích thước.

Túi đựng rác cũng được quy định rõ. Hầu hết các địa phương khuyến khích người dân dùng loại túi bóng mờ có chất liệu dai, nhìn rõ bên trong. Một số nơi còn quy định dùng túi đựng rác chuyên dụng cho từng loại. Nếu người dân dùng không đúng loại được chỉ định, nhân viên sẽ không thu dọn rác.

Việc xử phạt với hành vi vứt xả rác bừa bãi tại Nhật được thực hiện nghiêm khắc. Nếu vứt bừa bãi có thể bị phạt 5 năm tù hoặc 10 triệu Yên (hơn 1,7 tỷ đồng). Vứt tàn thuốc lá ra rãnh mương có thể bị tạm giam tối đa 30 ngày, phạt tiền tới 10.000 Yên (1,7 triệu đồng).

Xả rác phải trả tiền

Tại thành phố Besançon, Pháp, công tác quản lý chất thải được thực hiện bởi các nhóm tự quản và nhóm cùng hợp tác, lập ra cơ sở chịu trách nhiệm xử lý chất thải của địa phương, gọi là SYBERT.

Từ chuyện mỗi nhà có 3 thùng rác cho tới việc ngồi tù nếu vứt rác bừa bãi - 3
Các thùng phân loại rác thải theo màu sắc (Ảnh: News).

Thành phố cũng áp dụng chính sách "xả rác phải trả tiền" tùy theo lượng rác người dân thải ra. Với loại rác thải như thủy tinh và giấy, thành phố hướng dẫn người dân phân loại cẩn thận, thiết lập điểm thu mua rác tái chế. Các doanh nghiệp cũng phải trả tiền theo lượng rác phát sinh và được gắn nhãn để phân loại cho phù hợp.