Bao năm quen "trộn lẫn" các loại rác, dân mơ hồ khái niệm phân loại

Thế Hưng

(Dân trí) - Nhiều người dân ủng hộ việc phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác theo quy định. Tuy nhiên, đại đa số còn mơ hồ về cách phân loại rác.

Không phân loại rác, công nhân môi trường gặp khó khăn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường - thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Nghị định 45 đã bổ sung một quy định mới rất đáng chú ý: Xử phạt từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định.

Người dân ủng hộ việc phân loại rác mặc dù còn mơ hồ về các khái niệm

Bao năm quen trộn lẫn các loại rác, dân mơ hồ khái niệm phân loại - 1

Người dân đổ rác vẫn chưa có sự phân loại (Ảnh: Thế Hưng).

Nghị định sau khi được ban hành đã khiến đại đa số người dân phấn khởi ủng hộ, bởi đây là việc làm văn minh, hữu ích góp phần bảo vệ môi trường. Theo anh N.M. một người thu gom rác dọc sông Tô Lịch (Hà Nội), hiện các bãi rác đã không còn chỗ đổ; nếu người dân không phân loại ngay tại nhà thì việc xử lý rác gặp rất nhiều khó khăn.

"Rác sau khi thu gom sẽ được đưa vào nhà máy để sàng lọc, nhưng chỉ lọc được khoảng 50%. Rác sinh hoạt, chất lỏng, gỗ, vật liệu xây dựng phải phân loại riêng mới có thể đốt, nếu để nguyên sẽ không thể đốt vì các loại rác lẫn lộn sẽ làm tắc lò", anh M nói.

Bao năm quen trộn lẫn các loại rác, dân mơ hồ khái niệm phân loại - 2

Lâu nay, rác sinh hoạt của người dân khi được thu gom đều chưa phân loại (Ảnh: Thế Hưng).

Cũng theo anh M., do người dân không phân loại rác nên mỗi chuyến xe lên bãi tập kết mất 8-9 tiếng và phải chờ đợi rất mệt mỏi.

Hàng ngày phải đi thu gom rác, chị Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, việc không phân loại rác gây khó khăn rất nhiều cho công nhân vệ sinh vì rác thải vật liệu xây dựng, rác sinh hoạt... người dân thường để lẫn với nhau.

Người dân ủng hộ phân loại rác

Theo khảo sát của Dân trí, một số ít người dân vẫn bày tỏ sự băn khoăn bởi đã quen với cách cũ nhưng sẵn sàng chấp hành nếu quy định trên đi vào thực thi.

Bên cạnh đó thì số người ủng hộ việc phân loại rác lại rất đông, đa phần là những người trẻ. Chị Trần Vũ Băng Tâm (Trần Hòa, Hà Nội) cho hay: "Tôi ủng hộ quy định phân loại rác nhưng chưa rõ việc phân loại cụ thể ra sao. Trước đây, tôi thường xuyên gom các loại rác thải sinh hoạt vào đổ chung. Không có sự hướng dẫn, nhắc nhở nên tôi vẫn đổ rác theo cách truyền thống".

Bao năm quen trộn lẫn các loại rác, dân mơ hồ khái niệm phân loại - 3

Nhiều người băn khoăn, rác sau khi được người dân phân loại nhưng người thu gom lại đổ chung các loại rác với nhau thì việc xử phạt liệu có còn ý nghĩa? (Ảnh: Thế Hưng).

Dù ủng hộ, nhưng chị Tâm vẫn còn rất mơ hồ về các khái niệm phân loại rác thải. Trong đó, các loại rác hữu cơ chị Tâm có thể dễ dàng phân loại nhưng các chất thải có thể tái sử dụng, không thể tái chế và chất thải nguy hại chị Tâm không thể phân biệt.

Tương tự, chị Nguyễn Hải Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thường xuyên cho tất cả các loại rác vào chung một thùng. Mỗi lần gọi đồ về ăn uống, chị đều cho tất cả vỏ hộp nhựa, giấy ăn, vỏ lon, cốc nhựa, đồ uống và nước chấm, nước phở vào chung một túi rác.

Chị Hải Anh cho rằng, việc phân loại rác dường như không cần thiết bởi người thu gom cũng không có sự phân loại. Do đó, dù chị có phân loại rác thì khi về nơi tập kết vẫn lẫn lộn.

"Nếu cơ quan chức năng có những hướng dẫn cụ thể và người thu gom nhận rác theo sự phân loại thì tôi rất vui vẻ chấp hành", chị Hải Anh khẳng định.

Bao năm quen trộn lẫn các loại rác, dân mơ hồ khái niệm phân loại - 4

Hiện nay mới chỉ có một loại xe thu gom rác chung, do vậy dù người dân có phân loại, khi xe đến thu gom cũng sẽ đổ chung vào một chỗ (Ảnh: Thế Hưng).

Đã từ lâu, người dân hình thành thói quen đổ chung rác nên để thay đổi là điều không dễ. Tuy nhiên, từ khi biết được sắp tới sẽ có quy định xử phạt nên nhiều người đã chủ động tìm hiểu cách phân loại rác trên các trang mạng.

Anh Đinh Huy Linh (Lĩnh Nam, Hà Nội), cho rằng phân loại từ đầu sẽ giúp việc xử lý rác dễ dàng hơn. Từ đó, tình trạng quá tải tại các bãi rác sẽ không còn diễn ra, rác thải sẽ được thu gom thường xuyên hơn. Bảo vệ môi trường sống của chính bản thân là điều cấp thiết phải làm.

"Nếu rác thải được xử lý tốt thì người dân sống quanh các khu chôn lấp rác sẽ không phải hứng chịu cảnh ô nhiễm. Phân loại rác hết sức đơn giản và không hề mất thời gian như nhiều người nghĩ. Chúng ta chỉ cần để ý, thay đổi thói quen vứt các loại rác vào chung một thùng là được", anh Linh chia sẻ.

Hoàn toàn ủng hộ việc phân loại rác và đã tự thực hiện từ lâu, ông Ngô Thành Lâm (55 tuổi, Định Công Hạ, Hà Nội) cho biết: "Tôi có tìm hiểu về phân loại rác và rất ủng hộ để người dân có ý thức chấp hành. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều đó nên thiết nghĩ cần có các hướng dẫn cụ thể để người dân chuẩn bị kĩ hơn trước khi Nghị định 45/2022 đi vào thực tiễn".

Ông Lâm đã thực hiện việc phân loại rác cơ bản tại nhà từ nhiều năm nay. Theo đó, các loại rác hữu cơ, đồ nhựa, sắt thép ông đều để riêng cho bên môi trường thu gom. Các loại vật liệu xây dựng, đất cát ông đều có ý thức vận chuyển ra bãi tập kết thay vì mang đi đổ như rác thông thường.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng. Đại dịch Covid-19 toàn cầu trong 3 năm qua cũng đã làm gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm, đồ uống…

Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 64.658 tấn/ngày, tương đương 23,6 triệu tấn/năm, tăng 46% so với năm 2010; chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN.

Rác thải nói chung, rác thải nhựa, bao bì nói riêng khi thải ra ngoài môi trường sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người, hệ sinh thái và các loài sinh vật khác. Chính vì vậy, quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải bao bì đang là vấn đề bức thiết, là thách thức hiện nay của các quốc gia trên thế giới bởi tính phổ biến, tiện dụng trong đời sống hàng ngày của các sản phẩm sản xuất từ nhựa, trong khi năng lực tái chế còn rất hạn chế.