Trúc Tử, sinh năm 1980, quê ở Giang Tây, Trung Quốc, làm nghề họa sĩ. Sau khi học xong đại học, người đàn ông này chọn lập nghiệp ở Thượng Hải. Tuy nhiên, sau 20 năm ở nơi đất khách, anh chàng quyết định trở về quê hương, làm căn nhà độc đáo tặng cha mẹ.
Lý do Trúc Tử chọn về quê, một phần do muốn sống gần cha mẹ. Bên cạnh đó, chị gái bày tỏ mong muốn tài trợ một phần chi phí để em trai xây lại căn nhà cho cha mẹ có chốn dưỡng già thoải mái, bình yên.
Nhìn từ xa, căn nhà mang cấu trúc đặc biệt với phần mái trên cùng có 4 góc uốn cong như thể đang "bay". Phần mái nhà cũng là khoảng sân rộng để gia chủ đi dạo, thoải mái tận hưởng bầu không khí làng quê.
Khi kiến trúc sư hé lộ bản vẽ, Trúc Tử thích thú với kiểu mái lạ, nhưng chị gái lên tiếng phản đối, vì sợ căn nhà không phù hợp với phong cảnh của làng quê. May mắn người cha ủng hộ cách thiết kế khác biệt nên Trúc Tử đã thực hiện theo bản vẽ.
So với các căn nhà khác trong làng, không gian sống của gia đình Trúc Tử là "độc nhất vô nhị".
Căn nhà mới có diện tích 330m2, có 2 tầng, được hoàn thành sau 2 năm xây dựng, với tổng chi phí 900.000 tệ (hơn 2,9 tỷ đồng). Đây không chỉ là nơi sống của gia đình mà còn là địa điểm đặt xưởng vẽ của Trúc Tử để anh thỏa sức sáng tạo. Tầng một là không gian phòng khách đồng thời là nơi để cả nhà quây quần ăn uống, đón mọi người tới thăm.
Không gian sáng tạo của Trúc Tử và nơi uống trà, phòng ngủ được bố trí ở tầng 2. Phía ngoài mỗi tầng là hành lang rộng rãi với những ô cửa kích thước lớn để giúp thông gió và hút ánh sáng nên căn nhà luôn thoáng đãng. Với cách thiết kế này, dù xung quanh là gạch và bê tông, gia chủ vẫn cảm nhận được thiên nhiên bên ngoài.
Căn nhà của Trúc Tử lớn nhất làng, nơi đây còn là không gian rộng rãi cho người già và trẻ nhỏ đến hàn huyên, tụ tập.
Thời điểm quyết định xây dựng căn nhà, Trúc Tử gặp không ít khó khăn. Dịch bệnh bùng phát khiến cho tranh không bán được. Đến năm 2022, một bảo tàng mua các tác phẩm tranh nên anh chàng này có thêm chút tiền để tiếp tục xây nhà.
Nhằm tiết kiệm chi phí, Trúc Tử dùng tre, gỗ để tự làm tất cả nội thất trong nhà. Với một căn nhà ở làng quê, anh chàng này cho rằng, không phù hợp để đặt các bàn ghế, tủ kiểu hiện đại. Nhờ sự nỗ lực này, Trúc Tử đã tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.
Ngày đổ mái nhà, cả làng đến giúp đỡ. Mặc dù, cuộc sống ở quê lặng lẽ, không sôi động nhưng mỗi khi có chuyện vui, buồn, mọi người đều đoàn kết để hỗ trợ nhau. Cách sống gắn bó này là sự khác biệt so với chốn thị thành mà Trúc Tử đã gắn bó nhiều năm qua.
Cuộc sống ở Thượng Hải (Trung Quốc) và quê nhà có sự khác biệt rất lớn. Tuy vậy, Trúc Tử cảm nhận được sự yên bình mỗi ngày. Với anh chàng này, cảm giác thức dậy sớm đón bình minh và nghỉ ngơi khi chiều tà khiến cho cuộc sống như chậm lại, không còn cảnh bon chen giữa dòng đời xuôi ngược.