Trùm ma túy để lại đàn hà mã quá mắn đẻ, chính quyền đau đầu giải quyết

Huy Hoàng

(Dân trí) - Chính quyền Colombia đang lên kế hoạch "trục xuất" hàng chục con hà mã thuộc hậu duệ của những con vật trong bầy thú riêng của trùm ma túy khét tiếng Pablo Escobar tới "nhà mới" vì quá mắn đẻ.

"Cơn ác mộng" hà mã từ sai lầm lớn

Vào cuối những năm 1970, tỷ phú tội phạm giàu nhất lịch sử đồng thời là trùm ma túy khét tiếng Pablo Escobar đã mua trái phép những con hà mã chuyển về trang trại của mình, nơi cách thủ đô Colombia chừng 200km.

Trùm ma túy để lại đàn hà mã quá mắn đẻ, chính quyền đau đầu giải quyết - 1
Đàn hà mã của trùm ma túy Escobar sinh sôi quá nhanh, gây nhiều tác động xấu tới môi trường xung quanh (Ảnh cắt từ clip).

Năm 1991, khi Escobar bị chính quyền bắt giữ, toàn bộ phần đất trang trại cũng bị tịch thu. Hầu hết các vật nuôi trong vườn thú tư nhân này đều được chuyển đi, trong đó có cả voi, hươu cao cổ, linh dương. Chỉ riêng 4 con hà mã đã trốn thoát.

Nhưng chính sự lơ là của chính quyền địa phương đã biến hệ sinh thái khu vực lâm vào cuộc khủng hoảng chỉ sau vài chục năm.

Chỉ với 3 con cái và một con đực ban đầu, đến nay, đàn hà mã của trùm ma túy Escobar đã nhân số lượng lên tới 130 con.

Truyền thông địa phương cho biết, hà mã không có nguồn gốc ở Nam Mỹ. Chúng không có kẻ thù ngoài tự nhiên. Bản thân chúng là động vật hung dữ. Với tập tính và số lượng lớn như vậy, chúng đang gây nhiều tác động xấu tới môi trường xung quanh lưu vực sông Magdalena, miền trung Colombia.

Trùm ma túy để lại đàn hà mã quá mắn đẻ, chính quyền đau đầu giải quyết - 2
Từ 3 con cái và một con đực, sau hơn 30 năm, số lượng đàn đã lên tới khoảng 130 con (Ảnh: Fernando Vergara/AP).

Hơn 130 con hà mã đang đe dọa tới hệ thực vật, giành thức ăn của loài bản địa, thậm chí đe dọa tính mạng con người. Chất thải của chúng chứa vi khuẩn gây bệnh, gây ô nhiễm nguồn đất, nước.

Theo số liệu thống kê từ các chuyên gia, khoảng 500 người thiệt mạng mỗi năm liên quan tới những cuộc tấn công từ hà mã. Chúng là một trong những động vật nguy hiểm nhất thế giới, có khả năng giết chết người chỉ bằng một vết cắn.

Trước tình hình hiện tại, Bộ môi trường Colombia đã gắn cho chúng là "loài động vật xâm lấn", cấm mọi hình thức nhân giống và thương mại hóa. Trong khi đó, truyền thông Colombia gọi là "hà mã cocaine" do gắn liền với tên tuổi của trùm ma túy Escobar.

Các chuyên gia dự đoán, nếu không có biện pháp can thiệp quyết liệt và kịp thời, tới năm 2040, số lượng đàn hà mã có thể lên tới 600 con.

Loay hoay tìm cách "xuất ngoại"

Nếu như nhiều người dân địa phương đã bắt đầu quen với sự có mặt của loài động vật này, thậm chí, khu vực nơi chúng sinh sống đã trở thành điểm hút khách du lịch, thì chuyên gia David Echeverri công tác tại cơ quan môi trường, lên tiếng cảnh báo.

"Khi chúng tấn công và giết người, mọi thứ sẽ thay đổi", chuyên gia David nói.

Trước mắt, giới chức tại Antioquia, Colombia, đã lên kế hoạch đưa 70 con hà mã "xuất ngoại". Chúng sẽ được gửi tới các khu bảo tồn ở Mexico và Ấn Độ. Trong đó, 60 con sẽ tới trung tâm cứu hộ và phục hồi động vật học Greens ở Gujarat (Ấn Độ). Số còn lại tới khu bảo tồn Ostok (Mexico).

Trùm ma túy để lại đàn hà mã quá mắn đẻ, chính quyền đau đầu giải quyết - 3
"Xuất ngoại" hà mã sang các quốc gia là phương án đang được tính đến, nhưng cũng tốn nhiều chi phí (Ảnh: Insider).

Ecuador, Philippines và Botswana là những nơi đang "xếp hàng" chờ những lô hàng tiếp theo trong thời gian tới.

Được biết, kế hoạch di dời đàn hà mã đã nảy sinh hơn một năm trước. Khi đó, ông Sara Jaramillo, một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực phúc lợi động vật, đã đề cập tới việc đưa "đàn hà mã cocaine" tới khu bảo tồn ở Mexico. Đây là nơi sinh sống của khoảng 400 động vật khác nhau, gồm cả báo đốm và hươu.

Những chuyên gia tại khu bảo tồn này cho biết họ phải chuẩn bị cơ sở để nuôi giữ đàn hà mã khi chúng chuyển sang. Họ phải tìm cách tách chúng khỏi thiên nhiên, nếu không muốn tái diễn lại chuyện tương tự đã xảy ra ở Colombia.

Trước đó vào năm 2009, nước này từng có kế hoạch tổ chức cuộc "săn bắn có kiểm soát". Tuy nhiên, khi một con hà mã bị tiêu diệt đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng. Một biện pháp khác từng được áp dụng là tiêm thuốc tránh thai. Nhưng phương án này tới nay chưa khả thi.